Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, báo chí lại nhắc tới tình trạng giá cả tăng vọt hoặc tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất và của cả nền kinh tế không đạt mục tiêu. Tuy nhiên, năm nay, báo chí lại có những hàng tít như "Nền kinh tế tiếp đà tăng tốc" hay "kinh tế tăng tốc hứa hẹn mức tăng trưởng cao"... Đây là những hàng tít lạc quan trên các báo ra trong tuần này khi những số liệu về tình hình kinh tế tháng 2 được công bố và được thảo luận tại phiên họp Chính phủ tháng 2.
Thời báo Kinh tế Việt Nam: Nền kinh tế tiếp đà tăng tốc
Trong 2 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, và tăng tốc là khí thế chủ đạo trong bức tranh chung với nhiều điểm sáng như xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt gần 34 tỷ USD, xuất siêu hơn 1 tỷ USD và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đại đoàn kết: Nền kinh tế tiếp tục tăng tốc
Những chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm đã chứng tỏ rằng chúng ta đã vượt lên thói quen "tháng Giêng là tháng ăn chơi"- như bình luận của tờ Đại đoàn kết.
Đầu tư: Tăng trưởng xuất khẩu có khả năng vượt 2017
Tờ Đầu tư dẫn lời Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh bình luận, hơn 10 ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dù một số nơi vẫn còn tâm lý xả hơi, hội hè, nhưng về cơ bản, các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp và người dân đã bắt tay ngay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Rõ ràng, những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm đã hứa hẹn tốc độ tăng trưởng khá cao của quý I này.
Dù tình hình lạc quan nhưng tại phiên họp Chính phủ tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo về giá cả, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, trong nước có nhiều yếu tố cần quan tâm... Do đó, tất cả các cấp, ngành địa phương phải chú trọng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.
Lao động: Sức ép lạm phát
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý tới sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn, khi giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và nền kinh tế sẽ hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân hay từ đầu tư gián tiếp và kiều hối.
Tờ Quân đội Nhân dân phân tích, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu. Bên cạnh đó, chỉ riêng chuyện giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường, lương cơ bản điều chỉnh tăng cũng sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm nay.
Trong một bài viết về tình hình kinh tế vĩ mô được các báo đồng loạt đăng tải trước phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục khẳng định thông điệp về tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền nhằm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì trật tự và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!