Lao động yếu thế cần sự hỗ trợ của xã hội

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 04/07/2017 14:07 GMT+7

VTV.vn - Lao động yếu thế ở nông thôn luôn chịu nhiều thiệt thòi và mang trong mình mặc cảm tự ti. Do đó, đây là nhóm lao động rất cần sự hỗ trợ của xã hội để vượt qua khó khăn.

Theo một khảo sát, nghiên cứu về "An sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật Việt Nam", trên 72% lao động khuyết tật và yếu thế (gồm hộ nghèo và phụ nữ đơn thân) làm trong khu vực nông nghiệp. Đây được xếp là lĩnh vực có thu nhập thấp và điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác. Lao động yếu thế ở nông thôn luôn chịu nhiều thiệt thòi và mang trong mình mặc cảm tự ti, họ cũng ít có cơ hội thay đổi cuộc sống. Do đó, đây là nhóm lao động rất cần có sự hỗ trợ của xã hội để vượt qua khó khăn, mặc cảm, giúp họ có thể sống và sinh hoạt bằng sức lao động của chính mình và vươn lên làm chủ cuộc sống.

Vợ bị câm sau một lần sốt, chồng mất một chân do tai nạn bom mìn, gia đình bà Loan và ông Tuấn (xã Cẩm Phú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) khó khăn đủ đường trong 20 năm qua. Ba đứa con lần lượt chào đời khiến cho gánh nặng thêm chồng chất lên 2 người tật nguyền.

Được tặng một đôi dê và đồng thời được vay vốn để nuôi bò, cả nhà ông đã thực sự thay đổi khi họ có tư liệu sản xuất thuộc về mình. Đến nay, đàn dê và bò của ông bà đã gần 20 con.

Hơn 30 năm qua, nhọc nhằn, vất vả của gia đình gồm chồng và 7 người con đè nặng lên vai bà Ngân (xã Cẩm Bình, Cẩm Thủy, Thanh Hóa).

Sau khi khảo sát và hiểu rõ hoàn cảnh của nhà bà, xã đã giúp cho gia đình 16 đàn ong. Việc làm vừa sức và sự chăm chỉ đã gia đình bà Chính vươn lên thành hộ khá giả của thôn.

Những năm qua, huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho lao động yếu thế trên cơ sở khảo sát tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh của họ.

Những ví dụ điển hình trên là một số ít lao động yếu thế may mắn nắm bắt tốt cơ hội được trao. Vẫn còn đó không ít các khoản vốn vay của nhiều trường hợp lao động yếu thế rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi. Có tới 49,4% người khuyết tật sống trong hộ nghèo và cận nghèo. Các đối tượng này đang thiếu từ kiến thức đến vốn liếng để làm ăn, nhưng họ có chung một đặc điểm là chăm chỉ và chịu khó. Vấn đề đặt ra là tìm các biện pháp hỗ trợ phù hợp với lao động yếu thế ở nông thôn để họ có sinh kế bền vững, không chỉ giúp họ vươn lên mà còn giảm gánh nặng an sinh xã hội. Câu chuyện thành công của một tổ hợp tác sản xuất tại Thanh Hóa có thể là giải pháp cần nhân rộng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước