Liên kết các địa phương đảm bảo cung ứng hàng hoá dịp cuối năm

Chu Linh-Thứ tư, ngày 04/10/2023 11:37 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, 9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sức mua trên thị trường hiện nay đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Được dự báo nhu cầu người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10% trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, hiện nay các địa phương, đặc biệt là 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương đã lên kế hoạch cụ thể để sớm triển khai Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Bước sang tháng 10, các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp tại các địa phương để chốt số lượng các mặt hàng rau củ quả, thịt, bánh kẹo - vốn được mua nhiều trong dịp cuối năm.

"Thứ nhất là về số lượng, về nguồn hàng, về sản lượng để đảm bảo cung ứng cho dịp Tết. Thứ hai là về chất lượng để người dân có được những sản phẩm đảm bảo về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào những cái sản phẩm của địa phương, sản phẩm local, sản phẩm OCOP”, theo bà Phạm Thuỳ Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư, Tập đoàn Central Retail Việt Nam.

Không chỉ đảm bảo đủ số lượng cung ứng, giá cả và các chương trình liên kết khuyến mại giữa 5 địa phương cũng là chiến lược các sở Công Thương triển khai. Đại diện Hiệp hội nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết đây là cách để không chỉ tăng doanh thu bán lẻ mà còn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng phục hồi.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ: "Chương trình về kích cầu khuyến mại, giảm giá mua sắm tập trung đều phải được tổ chức ngoài ở các cái trung tâm bán lẻ, các hệ thống siêu thị vì người dân và người tiêu dùng rất quan tâm. Chương trình cũng sẽ được triển khai sâu rộng ở các thị trấn, thị xã, các vùng sâu, biên giới hải đảo vì nơi đây cũng còn rất nhiều dư địa để cho các sản phẩm của năm thành phố trực thuộc trung tâm có thể triển khai sâu rộng”.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu có tăng nhẹ, để đảm bảo tham gia các chương trình bình ổn giá, khuyến mại hỗ trợ cho khách dịp cuối năm, doanh nghiệp phải lên kế hoạch điều tiết vận hành chi tiết, tiết kiệm tối đa chi phí để cắt giảm giá trực tiếp sản phẩm.

"Mô hình online to offline đang dần mang lại hiệu quả cùng với việc đảm bảo một sản lượng nhất định trong thời gian dài khiến chúng tôi kết nối được từ nhà cung cấp đến khách hàng 1 mức giá gần như là không thay đổi”, ông Phạm Ngọc Long, Phó Giám đốc Ubo Food cho biết.

Để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp và liên tục cập nhật thông tin từ các địa phương để đảm bảo lưu thông hàng hoá.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ: "Bộ Công Thương sẽ có những chỉ đạo với Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố và Sở Công Thương để đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán năm 2024. Qua đó, những hàng hóa để phục vụ cho người dân và nhu cầu người dân trong những dịp lễ Tết sẽ được bảo đảm đầy đủ với những giá cả rất phù hợp”.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các sở công thương cần sớm đăng ký các mặt hàng thế mạnh của địa phương, sản lượng cụ thể để có thể vận chuyển, điều phối tiêu thụ, tránh tình trạng lãng phí, gây thất thoát rủi ro cho doanh nghiệp và bà con nông dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước