Lợi ích CPTPP mang lại cho Việt Nam - Nhật Bản

Đức Cường (PV Đài THVN Thường trú tại Nhật Bản)-Thứ năm, ngày 22/11/2018 20:01 GMT+7

Tọa đàm về những lợi ích của CPTPP sẽ đem lại cho hai nước Việt Nam và Nhật Bản,

VTV.vn - Ngày 22/11, tại Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra cuộc tọa đàm về những lợi ích của CPTPP sẽ đem lại cho hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Đại diện của hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tham dự. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp nước này về những thay đổi hiệp định sẽ mang lại.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem sẽ mang lại những lợi ích hai chiều to lớn cho cả Việt Nam và Nhật Bản. Về phía Nhật Bản, CPTPP sẽ cho phép các công ty nước này được quyền tham dự vào thị trường mua sắm Chính phủ đang phát triển rất nhanh của Việt Nam, vốn từ trước đến nay đóng cửa với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, các ngành dịch vụ vốn là thế mạnh của Nhật Bản như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, logistic, kế toán, thiết kế đồ họa cũng sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Tiến sỹ Yuri Sato - Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản nói: "Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản đã miễn thuế cho 42% các sản phẩm công nghịêp của Nhật Bản vào Việt Nam, nhưng Hiệp định CPTPP còn miễn thuế cho 70,2% các sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản. Nông sản và thực phẩm Nhật Bản cũng sẽ dễ dàng vào thị trường Việt Nam hơn. Thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa sẽ được hạn chế ở mức tối đa là 48 giờ đồng hồ và nếu nhanh chỉ 6 giờ đồng hồ".

CPTPP cũng sẽ củng cố vai trò của Việt Nam như cứ điểm sản xuất và xuất khẩu, hướng đến thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ nhận được các lợi ích tương tự khi xâm nhập thị trường Nhật Bản.

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ nhận được ưu đãi lớn hơn bởi vì Nhật Bản quyết định mở cửa hơn nữa cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản như tôm".

Hiệp định CPTPP cũng đặt ra các cam kết bảo hộ mạnh nhất từ trước tới nay về quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ đầu tư, trong đó có quyền rút vốn, chuyển tiền, bồi thường công bằng khi bị quốc hữu hóa tài sản và trợ giúp pháp lý. Những điểm này cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường xuất khẩu công nghệ sang Việt Nam.

Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2019 và được dự báo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Theo các nhà phân tích, lợi ích mà CPTPP mang lại rất đa dạng, không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm các dòng thuế, mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cũng như làm giảm các thủ tục về thương mại và đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước