Lợn hơi mất giá kỷ lục, ngành nông nghiệp biết giải cứu từ đâu?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 07/05/2017 10:26 GMT+7

VTV.vn - Báo giới nhận định từ thực tế lợn hơi mất giá kỷ lục, các nhà quản lý cần nhìn nhận lại những vấn đề trong công tác điều hành vĩ mô.

Giải cứu - đây là cụm từ xuất hiện dày đặc trên các trang báo tuần qua trong các bài viết về thực trạng lợn xuống quá thấp khiến người chăn nuôi thiệt hại nghiêm trọng. Giá lợn hơi lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống khoảng 15.000 – 18.000 đồng/kg, đưa nhiều người và doanh nghiệp chăn nuôi lợn đến nguy cơ phá sản nếu tình trạng này kéo dài. Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Chúng ta đã bị ế dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa".

Tờ Nông thôn ngày nay đã cho thấy một cái nhìn toàn cảnh đầy bi đát về ngành chăn nuôi. Theo những người chăn nuôi lợn, nhiều nhà phá sản, không trả được nợ ngân hàng, cãi nhau, sứt mẻ tình cảm cũng vì lợn. Nặng hơn nữa, có nhà vợ chồng đã đến cùng quẫn vì lợn ế và thua lỗ.

Thế nhưng nghịch lý ở chỗ, giá thịt lợn tại các siêu thị, chợ vẫn ở mức cao, tới gần 100.000 đồng/kg và không phải người dân nào ở thành thị cũng có thể dễ dàng mua sản phẩm này cho bữa ăn hàng ngày. Vậy nguyên nhân ở đây là gì?

Báo Tuổi trẻ đã phải có bài điều tra với dòng tít "Ăn chặn hai đầu". Theo đó, các khâu trung gian vừa o ép người chăn nuôi, vừa móc túi người tiêu dùng với giá cao. Và cần thiết phải điểm mặt chỉ tên những đối tượng đang kiếm lợi quá nhiều trên lưng người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Với tình trạng này, cần bắt đầu giải cứu từ đâu? Báo Đại biểu nhân dân cho rằng "Đừng giải cứu từ ngọn".

Ghi nhận động thái của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tờ báo này cho rằng điều này xảy ra khi cung lớn hơn cầu. Giá lợn hơi giảm quá sâu lại bắt nguồn từ những vấn đề trong điều hành vĩ mô. Có thể thấy, đây là câu chuyện tầm nhìn và tư duy quản lý.

Trong bài viết "Miếng thịt heo trên bàn nghị sự", tác giả thắc mắc những thông tin phân tích về thị trường Trung Quốc với cung cầu tại từng thời điểm là khá rõ ràng thế nhưng, dường như lại không được quan tâm. Người nông dân đã đành, nhưng các cơ quan Nhà nước cũng không nghiên cứu thấu đáo mà phổ biến lại cho người nông dân.

Bộ Tài chính đã đề nghị giảm giá sản phẩm đầu vào cho chăn nuôi, ngành Ngân hàng vào cuộc để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn. Tuy vậy, nhiều bài viết trên các báo cho rằng cần giải cứu nông sản bắt đầu từ tư duy chạy theo sản lượng, ít quan tâm tới thị trường, giá cả, thương hiệu. Để giải bài toán này, đó không phải là nhiệm vụ của nhà nông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ nông sản, đồng thời khẳng định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng, nhưng cần xem xét thị trường tiêu thụ sản phẩm, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất.

Chính phủ đã chỉ đạo giải cứu thịt lợn, các Bộ, ngành, người dân cũng đã vào cuộc để đưa người chăn nuôi lợn ra khỏi cơn khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Hiện, ngoài lợn thì danh sách các nông sản được giải cứu của Việt Nam đã có dưa hấu, hành tím, chuối, vải thiều và thanh long.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước