Nga trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

VTV Digital-Thứ ba, ngày 15/08/2023 11:18 GMT+7

VTV.vn - Dự báo quy mô nền kinh tế xứ bạch dương sẽ đạt mức trước xung đột trong năm nay khi Moskva thích nghi với các đòn trừng phạt của phương Tây.

Kinh tế Nga lần đầu tăng trưởng sau một năm

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) công bố ngày 11/8, GDP của Nga trong quý II vừa qua đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 3,9%.

Hãng Interfax đã lấy dữ liệu từ Bộ Kinh tế Nga cho thấy động lực tăng trưởng chính là các lĩnh vực của nền kinh tế thực, mà chủ yếu là ngành sản xuất chế biến với sản lượng quý II năm nay tăng 11,3%.

Các tổ hợp chế tạo máy và luyện kim góp phần cải thiện các chỉ số với mức tăng 2,3% trong tổng mức tăng trưởng được dự báo của năm nay là 6,8%. Ngành xây dựng và nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng ổn định khi thương mại bán buôn đang phục hồi với tốc độ cao trong năm qua (tăng 12,5%).

Theo các chuyên gia của tờ Kommersant, sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng có tác động tích cực đến động lực của GDP trong bối cảnh tình hình ổn định trên thị trường lao động và tăng trưởng thu nhập bằng tiền thực tế của người dân.

Nga trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới    - Ảnh 1.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Nga. (Ảnh: Saint-Petersburg.com)

Chính sách của Moskva hỗ trợ đồng Ruble

Đồng Ruble trong phiên giao dịch hôm qua (14/8) đã rơi xuống mức thấp nhất 17 tháng. Có thời điểm ở mức 101,04 Ruble đổi 1 USD. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, đồng Ruble đã sụt giảm tới 30% giá trị. Hồi tháng 3 năm ngoái, tỷ giá đồng Ruble từng ở mức thấp kỷ lục là 120 Ruble đổi 1 USD, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng, đồng Ruble giảm giá phần lớn là do tình trạng ngoại thương xấu đi. Vậy Moskva đang có bước đi hay chính sách nào để hỗ trợ đồng Ruble?

Vào cuối tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm, từ 7,5% lên 8,5%. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng do khả năng tăng sản lượng không theo kịp tốc độ tăng nhu cầu trong nước và sự mất giá của đồng Ruble.

Tờ Gazeta ngày 9/8 cho biết, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố tạm dừng mua ngoại tệ trong thời gian còn lại của năm nhưng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch của quỹ phúc lợi quốc gia để bán ngoại tệ với 2,3 tỷ Ruble mỗi ngày. Điều này được xem là có thể giảm bớt sự biến động của đồng Rúp trong thời gian ngắn nhưng không có khả năng tăng mạnh đồng Ruble.

Nga trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới    - Ảnh 2.

Đồng Ruble Nga. (Ảnh: Getty)

Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, các cơ quan tài chính Nga đang cố tình để đồng Ruble suy yếu để cải thiện nguồn thu ngân sách.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế Nga của tờ Vedomosti cũng nhận định, đồng Ruble yếu sẽ giúp chính phủ đạt được mức thu ngân sách như kế hoạch, có tính đến việc doanh thu xuất khẩu giảm. Ước tính, để đáp ứng các thông số đã đặt ra, chính quyền cần tỷ giá hối đoái đô la ít nhất là 90 Ruble và nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, thì sẽ là 100 Ruble.

Theo tờ Tin tức Izvestia, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Nga lên mức 1,5 - 2,5% cho năm 2023, nhưng cũng cảnh báo đến rủi ro lạm phát bởi điều kiện của thị trường, các biện pháp trừng phạt và mức chi tiêu của chính phủ. Dữ liệu chính thức được công bố ngày 9/8 cho thấy trong tháng 7, tốc độ tăng lạm phát hàng năm của Nga là 4,3%.

Xuất khẩu dầu của Nga vượt mức trần giá của G7

Hãng thông tấn Tass của Nga dần lời của ông Maxim Oreshkin - cố vấn kinh tế cho Tổng thống Putin - cho rằng, rất có thể Moskva ga sẽ có động thái can thiệp chính sách tiền tệ trước cuộc họp lãi suất vào ngày 15/9 tới. Đồng Ruble yếu sẽ làm phức tạp quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực tế của người dân.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc 1 đồng Ruble yếu cũng đang hỗ trợ rất lớn cho xuất khẩu. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dầu của Nga đã được bán trên mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm G7 đưa ra trong suốt tháng 7, giúp Nga đạt doanh thu từ dầu mỏ cao nhất trong 8 tháng. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn thu ngân sách Nga từ dầu khí còn phụ thuộc cả vào yếu tố khác.

Giá dầu thô toàn cầu đã tăng cao hơn trong tháng 7 và tháng 8 khi được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia. IEA cho biết, điều đó đã đẩy giá dầu của các chuyến hàng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga lên mức trung bình là 64,41 USD/thùng, cao hơn mức trần 60 USD/thùng mà G7 đã nhất trí.

Cũng trong tháng 7 nước này xuất khẩu trung bình khoảng 7,3 triệu thùng dầu/ngày. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn mua tới 80% lượng dầu xuất của Nga. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng giá dầu thô cao hơn, kết hợp với việc thu hẹp chiết khấu đối với các loại dầu của Nga đã thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của Nga đạt 15,3 tỷ USD trong tháng 7, tăng 20% so với tháng trước đó.

Nga trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới    - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga tiếp tục quyết định giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9 tới. Song không phải cứ cắt giảm khiến cung thấp hơn cầu, khách hàng sẽ chịu mua giác cao hơn.

Khoảng 40% dầu xuất khẩu của Nga là tới Ấn Độ, duy trì mức này liên tục trong 10 tháng qua . Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu này dự báo sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm, trung bình khoảng 2 triệu thùng/ngày do tác động theo mùa khi nhu cầu thường giảm.

Đối với Trung Quốc, họ cũng đang cân nhắc giữa dầu của Iran và Nga. Giá dầu Iran hiện ở mức thấp hơn gần 10 USD/thùng so với giá dầu Brent giao sau. Con số này lớn hơn nhiều so với mức giảm chỉ khoảng 4 - 5 USD/thùng trước khi xung đột Ukraine nổ ra.

Có thể thấy, bất chấp hơn 10.000 lệnh trừng phạt, Nga đã không rơi vào thảm họa kinh tế như Phương Tây dự tính mà còn đang phục hồi và tăng trưởng. Nhưng Tổng thống Vladimir Putin vẫn lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga trong trung hạn.

Trong tất cả các kịch bản cho sự phát triển của nền kinh tế Nga, các chuyên gia đều dự tính đến áp lực trừng phạt trong 10 - 15 năm tới. Do đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế Nga, định hướng lại dòng chảy xuất khẩu, thiết lập lại chuỗi cung ứng sẽ là quá trình không thể tránh khỏi và cần tiếp tục trong thời gian tới để không phụ thuộc vào bất cứ nguồn thu xuất khẩu nào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước