Ngăn chặn nạn buôn bán tài nguyên thiên nhiên trong ASEAN

Ngọc Phương (phóng viên Đài THVN tại Lào)-Thứ bảy, ngày 09/04/2016 08:55 GMT+7

Nỗ lực cứu tê giác bị cưa trộm sừng. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Hơn 1.200 con tê giác đã bị giết để lấy sừng cung cấp cho các nước trong ASEAN.

Đó là con số được đại diện Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đưa ra tại buổi đối thoại với chủ đề "Lào - Việt Nam tăng cường ứng phó với nạn buôn bán tài nguyên thiên nhiên qua biên giới" diễn ra trong hai ngày 7 - 8/4 tại thủ đô Vientiane.

Buổi hội thảo do Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của LHQ phối hợp với các lực lượng chức năng của Lào và Việt Nam tổ chức.

Đại diện của Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của LHQ cho biết, ASEAN hiện là một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là động vật hoang dã và gỗ. Đặc biệt, có những loài động vật quý hiếm được tiêu thụ mạnh ở khu vực này lại do nhận thức chưa đúng của người dân.

Ông Giovanni Broussard, chuyên gia, cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của LHQ (UNODC) nói: “Số lượng tê giác châu Phi đã bị giết và lấy sừng để cung cấp cho khu vực Đông Nam Á tăng từ 13 con năm 2007 lên khoảng 1.200 con vào năm 2015. Đó là một con số thật sự gây sốc. Nguyên nhân đằng sau đó là do sự hiểu nhầm về tác dụng y học của sừng tê giác. Nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể tiêu diệt được ung thư cũng như nhiều bệnh khác. Nhưng rõ ràng là chẳng có một minh chứng khoa học nào cho thấy rằng sừng tê giác có thể mang lại lợi ích nào về mặt sức khỏe cho người dùng,nó cũng giống như việc sử dụng một số chất đơn giản như móng tay hay tóc”.

Các tham luận tại cuộc đối thoại lần này đều cho thấy tình hình buôn bán trái phép tài nguyên thiên nhiên qua biên giới trên đất liền ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến hệ sinh thái, sự phát triển kinh tế và đe dọa an ninh quốc gia, an ninh khu vực và an ninh thế giới. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng của các nước ASEAN đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và gỗ hiếm liên quốc gia. Vì thế, các đại biểu cho rằng các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có chung đường biên giới như Lào và Việt Nam, cần phối hợp chặt chẽ nhằm giảm các thủ tục chồng chéo để nâng cao hiệu quả ngăn chặn nạn buôn bán trái phép tài nguyên thiên nhiên.

Ông Giovanni Broussard cho biết thêm: “Cả Lào và Việt Nam đều đã có các biện pháp để ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép. Hai quốc gia đã cải cách các quy định, khuôn khổ pháp lý, tăng cường ký các biên bản ghi nhớ để hợp tác trong lĩnh vực này. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy là vẫn có các hoạt động buôn bán trái phép qua biên giới giữa hai quốc gia. Vì thế dù đã có một số nỗ lực để ngăn chặn buôn bán trái phép nhưng chúng tôi cho rằng vẫn cần có thêm những nỗ lực được triển khai. Có một số quy định vẫn bị chồng chéo, tạo ra các lỗ hổng. Điều này có thể tạo ra khoảng trống cho các hành vi tham nhũng tạo thuận lợi cho các hoạt động buôn lậu.

Ngoài buổi đối thoại này, các cơ quan chức năng của Lào và Việt Nam sẽ có buổi tập huấn tại tỉnh Điện Biên nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trái phép tài nguyên thiên nhiên qua biên giới hai nước, trong đó có động vật hoang dã và gỗ.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước