Sản phẩm từ sen rộng đường xuất khẩu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 12/05/2024 16:42 GMT+7

VTV.vn - 15 tấn củ sen cấp đông của Đồng Tháp mới đây đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến trong năm nay, khoảng 8 container củ sen sẽ tiếp tục được xuất khẩu.

Xây dựng vùng nguyên liệu sen chất lượng

Sen là 1 trong 6 ngành hàng chủ lực được Đồng Tháp chọn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và hiện địa phương này cũng đang tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 2. Để đưa sản phẩm sen Đồng Tháp ra thị trường nước ngoài, thì trồng trọt, sản xuất theo hướng hữu cơ đang được nhiều cơ sở trồng sen đặc biệt quan tâm.

Đồng sen rộng 28 ha ở huyện Tháp Mười chưa bao giờ hoa nở đẹp và gương sen to như hiện nay. Đây là câu chuyện dài về sự thay đổi, nhất là qui trình canh tác. Những thói quen như phun thuốc bảo vệ thực vật hay bón phân hoá học theo cảm tính giờ đã không còn, thay vào đó chị Phạm Nguyễn Bích Huyền (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học. Nếu có cỏ hoặc ốc gây hại thì thuê mướn nhân công xử lí.

"Hiệu quả mang lại cho vấn đề canh tác hữu cơ chính là sức khoẻ. Chính chúng ta sản xuất hữu cơ thì tự tin, khi thăm đồng ăn 1 hạt sen thì khi mang ra thị trường, khách hàng sẽ tin tưởng", chị Huyền nói.

Sản phẩm từ sen rộng đường xuất khẩu - Ảnh 1.

Để đưa sản phẩm sen Đồng Tháp ra thị trường nước ngoài, thì trồng trọt, sản xuất theo hướng hữu cơ đang được nhiều cơ sở trồng sen đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.

Chi phí đầu tư có thể tăng thêm 20%, nhưng bà con trồng sen Đồng Tháp vẫn chấp nhận. Bởi họ biết rằng đó là xu hướng phù hợp với việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt cho biết: "Muốn xuất khẩu, đặc biệt EU thì bắt buộc hữu cơ, đó là xu hướng và đó cũng là điều chúng tôi hướng đến".

Bà Trần Thị Quý - Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, Đồng Tháp cho hay: "Huyện đang chuẩn bị trồng thêm 100 ha. Theo kế hoạch phát triển thời gian tới, huyện sẽ có khoảng trên 1.000 ha sen".

Ở những đồng sen hữu cơ, giá thu mua gương sen cũng được tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đây cũng là vùng nguyên liệu an toàn để kéo dài chuỗi giá trị của cây sen như sản phẩm sen ướp trà đang được thị trường ưa chuộng.

Nhiều dư địa xuất khẩu cho ngành sen

Có thể nói sự thay đổi nhận thức của bà con nông dân chính là điều kiện quan trọng để Đồng Tháp có những kế hoạch dài hơi nhằm phát triển ngành hàng sen. Mới đây, tỉnh này đã công bố lô hàng 15 tấn sen xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là thông tin rất vui đối với những người trồng sen ở Đồng Tháp.

Ông Lê Văn Lượm là một trong những nông dân đầu tiên ở huyện Tháp Mười chuyển đổi từ trồng lúa sang cây sen. Thời điểm hiện tại, với hơn 10 ha sen, ông thu về lợi nhuận hàng năm cao gấp đôi trồng lúa, công chăm sóc cũng ít hơn. Trước thông tin sen được xuất khẩu sang Nhật Bản, ông và bà con trồng sen ở địa phương càng phấn khởi hơn.

"Xuất khẩu được giá sen hợp lý, thu nhập sẽ đều đều", ông Lượm nói.

Sản phẩm từ sen rộng đường xuất khẩu - Ảnh 2.

Lô hàng vừa được xuất khẩu sang Nhật Bản là 15 tấn củ sen cắt lát đông lạnh. Dự kiến trong năm nay, một doanh nghiệp tại Đồng Tháp sẽ xuất khẩu thêm cho đối tác Nhật Bản khoảng 8 container củ sen. Giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu được thu mua chủ yếu từ Đồng Tháp và các địa phương khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt cho biết: "Dung lượng thị trường củ sen rất là lớn. Đối với Nhật Bản thì dung lượng thị trường 1 năm là 90.000 - 100.000 tấn năm. Còn Trung Quốc, con số này có thể lên đến 3 triệu tấn 1 năm. Vì vậy, dư địa và cơ hội của sản phẩm củ sen là rất lớn".

"Sự kiện xuất khẩu sen vừa qua là một dấu mốc của ngành hàng sen Đồng Tháp khi ngoài sản phẩm truyền thống là sen lấy cũ nay đã xuất khẩu thêm củ sen. Đây cũng là một bước tiến lớn khi chinh phục được một thị trường khó tính và mở ra cơ hội cho bà con trồng sen", anh Ngô Chí Công - Chủ tịch Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp cho hay.

Hiện nay, diện tích trồng sen ở Đồng Tháp khoảng 1.800 ha, trong đó có khoảng 100 ha sen hữu cơ, cơ giới hóa hoàn toàn. Huyện Tháp Mười diện tích lớn nhất với 500ha, còn lại tập trung ở các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Tam Nông, Lấp Vò.

Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp chế biến sen với 120 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm. Trong đó 54 sản phẩm OCOP, một sản phẩm OCOP 5 sao.

Đa dạng hoá sản phẩm chế biến để tiếp cận các thị trường

So với các ngành thế mạnh khác như lúa gạo, cá tra, ngành hàng sen có thể không bằng về giá trị. Nhưng đặc thù của sản phẩm này đó là gắn với hình ảnh địa phương Đồng Tháp. Trong tương lai, các sản phẩm chế biến từ sen đang được các doanh nghiệp tập trung theo hướng "Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm chế biến" để tiếp cận các thị trường thế giới.

Ông Trương Sỹ Toàn - Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long cho biết: "Sen đóng hộp, sen sấy, sữa sen và chúng tôi cũng chú trọng những sản phẩm chay từ sen của Đồng Tháp".

"Ứng dụng lá sen, hoa sen vào lĩnh vực thời trang, hoặc tơ sen, rồi làm than hoạt tính từ thân sen", anh Ngô Chí Công - Chủ tịch Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp nói.

Sản phẩm từ sen rộng đường xuất khẩu - Ảnh 3.

Sen cũng là một trong các ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp. Ảnh: PLO.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Kết nối giữa những người trồng sen và những người có tư duy kinh tế gắn kết lại tạo ngành hàng, tạo chuỗi giá trị cho ngành hàng này".

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: "Đi từ riêng lẻ là chúng ta bán giá cả, còn kết hợp là bán giá trị, từ những công đoạn trong chuỗi ngành hàng gắn kết chặt chẽ với nhau sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn".

Xuất khẩu sen sang Nhật Bản Xuất khẩu sen sang Nhật Bản

VTV.vn - Sáng 7/5, Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố lô sen xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là thông tin rất vui đối với những người trồng sen.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước