Sự hồi sinh của thủ phủ ngành công nghiệp ô tô Mỹ sau phá sản

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 21/07/2023 20:08 GMT+7

VTV.vn - 10 năm trước đây, vào ngày 18/7/2013, Detroit đã buộc phải tuyên bố phá sản do chính quyền thành phố này không thể thanh toán được khoản nợ lên đến gần 18,5 tỷ USD.

Cách đây 10 năm, Detroit - thành phố từng có thời điểm được biết đến như thủ phủ ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã phải tuyên bố phá sản. Đây là vụ phá sản cấp thành phố lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. 10 năm sau sự kiện này, nền kinh tế Detroit đã có dấu hiệu hồi sinh và tạo ra được nhiều việc làm mới. Sự phá sản và hồi sinh của Detroit đã trở thành bài học được nghiên cứu trên khắp nước Mỹ.

10 năm trước đây, vào ngày 18/7/2013, Detroit đã buộc phải tuyên bố phá sản do chính quyền thành phố này không thể thanh toán được khoản nợ lên đến gần 18,5 tỷ USD. Khoản nợ chủ yếu đến từ nguồn thu thuế sụt giảm trong khi chi phí công ngày càng tăng.

Chính quyền bang Michigan đã chỉ định luật sư Kevyn Orr làm người đại diện của Detroit nhằm tìm phương án xử lý các khoản nợ. Biện pháp đầu tiên mà thành phố áp dụng là cắt giảm quỹ lương hưu và các chương trình phúc lợi xã hội. Trong khi biện pháp này gây phản ứng kịch liệt với người hưu trí, ông Orr cho rằng điều này là cần thiết.

Luật sư Kevyn Orr nói: "Nếu chúng tôi không cắt giảm quỹ lương hưu, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Điều này có thể dễ dàng chứng minh bằng các con số".

Sự hồi sinh của thủ phủ ngành công nghiệp ô tô Mỹ sau phá sản - Ảnh 1.

Nền kinh tế Detroit đã có dấu hiệu hồi sinh và tạo ra được nhiều việc làm mới. (Nguồn: AP)

Chính quyền thành phố Detroit cũng đạt thỏa thuận với các chủ nợ lớn để họ đồng ý nhận lại số tiền chỉ bằng một phần mười so với thực tế. Những biện pháp này đã giúp Detroit tái cấu trúc thành công số nợ 7 tỷ USD và chính thức thoát khỏi tình trạng phá sản vào tháng 12/2014.

Tính đến nay, Detroit đã trải qua 9 năm liên tiếp đạt được thặng dư ngân sách với ngân sách hoạt động lên đến 2,4 tỷ USD cho tài khóa 2024. Nhờ ngân sách liên bang mà thành phố này có thể phá hủy các tòa nhà cũ kỹ, xuống cấp và xây các công trình mới để tạo nguồn cung cho thị trường.

Sự hồi sinh của nền kinh tế đã mang lại sức sống mới cho thành phố nhưng những người lao động vẫn lo lắng về hệ thống phúc lợi xã hội đã bị tổn hại.

Giáo sư Peter Hammer - Khoa luật, trường đại học bang Wayne, Mỹ đánh giá: "Detroit ngày nay có thể là một nơi tuyệt vời để du lịch. Detroit cũng có thể là nơi có nhiều dịch vụ giải trí hấp dẫn. Nhưng Detroit không phải là nơi có hệ thống phúc lợi và y tế tốt cho những người đang thực sự sống tại thành phố này".

Trong khi vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, thành phố Detroit vẫn đang thu hút được các khoản đầu tư mới giúp tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp tại Detroit hiện là 6,4%, chỉ bằng một nửa mức trung bình của 10 năm trở lại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước