Thị trường gọi xe công nghệ ngày càng khốc liệt

Quốc Lê (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ ba, ngày 18/06/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, Grab nắm thế thượng phong khi thâu tóm hầu hết tài xế, người dùng. Be, Fast Go, Vato hay MyGo là những cái tên mới gia nhập thị trường này.

Khách hàng, thị phần, hiểu biết bản địa và cả lòng tự tôn dân tộc Việt, đâu sẽ là cánh cửa mở ra cho các doanh nghiệp nội?

Mới đây, Viettel Post công bố kế hoạch sẽ ra mắt dịch vụ gọi xe công nghệ với tên gọi MyGo. Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất lúc này là điều gì khiến Viettel Post vẫn tiếp tục gia nhập thị trường đang quá chật chội này?

Mảng gọi xe công nghệ chưa bao giờ là dễ làm khi mà thị trường trong nước hiện tại đang có sự tham gia của 2 gã khổng lồ là Grab và Go Jek. Vậy làm sao để cạnh tranh được với với các "cá mập" đa quốc gia?

Trước khi phân tích về thị trường Việt Nam, hãy cùng quan sát rộng hơn ra khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có những nét văn hóa, thói quen sinh hoạt đặc trưng và khai thác thói quen bản địa là một trong những cách được các startup lựa chọn.

Kế sách hiệu quả đầu tiên là bài học từ Go-Jek. Ngay từ khi ra mắt, thay vì chọn đối đầu trực tiếp với Uber và Grab, hãng này tập trung phát triển phương tiện xe gắn máy, loại xe vô cùng phổ biến của xứ vạn đảo. Từ O-jek trong tiếng Indo cũng có nghĩa là xe ôm.

CEO của Go-Jek từng nói: "Đối với Grab, ngay từ đầu chúng tôi không xem việc ai có nhiều tiền hơn là điều quan trọng mà quan trọng là ai sẽ có thể thích ứng nhanh hơn".

Cách này đã giúp họ giành lợi thế tại sân nhà. Năm 2018, Go-jek được Bloomberg định giá hơn 10 tỷ USD và trở thành đối trọng lớn nhất với Grab tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khai thác những thói quen bản địa không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực ngay lập tức.

Tại Siem Reap, có 2 ứng dụng gọi xe phổ biến là Grab và PassApp, trong đó, PassApp là một ứng dụng của người Campuchia. Có 3 loại phương tiện trên 2 ứng dụng gọi xe này là xe hơi, Tuk tuk và xe kéo.

Lựa chọn khai thác phương tiện truyền thống bản địa thế nhưng điều đó lại chẳng giúp cho PassApp giành được chút lợi thế nào.

Tất nhiên, tại Siem Reap, cũng có những tài xế chỉ sử dụng PassApp nhưng hầu hết số này là những tài xế không có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và họ chủ yếu chỉ phục vụ cho người dùng bản địa.

Có thể dễ dàng lý giải cho quan điểm của các tài xế bởi Siem Reap là thành phố du lịch, dân số chỉ vào khoảng 140.000 người trong khi số lượt du khách mỗi năm là hơn 2 triệu. Như vậy, chỉ khai thác thói quen bản địa chưa hẳn đã là một cách hay vào lúc này.

Quay trở lại với bài toán tại Việt Nam, theo thông tin từ Viettel Post, đơn vị này sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ gọi xe từ ngày 1/7/2019 tại 63 tỉnh thành. Đến thời điểm hiện tại, ứng dụng này đã có mặt trên kho ứng dụng của Android và iOS. Các tài xế cùng đã có thể đăng ký tham gia mạng lưới của MyGo.

MyGo rõ ràng là có những lợi thế nhất định khi họ sẽ được thừa hưởng những nền tảng logistic đang hoạt động khá tốt của Viettel Post, có hơn 1 triệu khách hàng và 17.000 bưu tá. Hiện tại, chỉ sau ít ngày, dịch vụ này đã có số lượt tải ứng dụng tài xế là hơn 30.000, số lượt tải ứng dụng khách hàng là gần 40.000 lượt. Viettel có thể sử dụng lại chiến thuật đã giúp tập đoàn này từng thành công cách đây gần 20 năm ở mảng viễn thông đó là chiến thuật lấy nông thôn vây thành thị.

Vậy còn những doanh nghiệp khác, họ sẽ có chiến thuật như thế nào? Những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trong thời gian qua hẳn sẽ có những góc nhìn khác?

Be là một đại diện trong nước về những sức ép cũng như lợi thế mà họ nhận thấy sau khi triển khai dịch vụ của mình.

Với cách tiếp cận hiện tại, trong 6 tháng qua, Be cũng đã hoàn thành được 12 triệu chuyến xe, trung bình khoảng 250.000 chuyến mỗi ngày. Mặc dù con số này mới chỉ tương đương với 20% so với Grab nhưng nếu có thêm những cái bắt tay từ các ông lớn trong nước thì cơ hội cho MyGo, Be hay các doanh nghiệp nội khác không phải là không có.

Như vậy, cách làm của Be và Viettel là hai cách làm khác nhau. Một bên dựa vào những ưu thế nội sinh từ những dịch vụ sẵn có của mình. Bên còn lại chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp nội cung cấp các dịch vụ tiện ích khác.

Điểm chung của 2 cách làm này đều là tìm ra những thế mạnh của mình, dựa vào những tài nguyên trong nước và sự ủng hộ của người dân, của chính phủ.

Cuộc đấu này có thể sẽ còn dài, với Be mới là nửa năm hay với MyGo mới chỉ là khởi đầu, doanh nghiệp Việt có giành lại sân chơi của mình được hay không phải đợi thời gian trả lời nhưng chắc chắn để có thể giành được lợi thế cho doanh nghiệp nội cần những cái bắt tay hợp tác của các bên.

Viettel Post bất ngờ tung ứng dụng gọi xe MyGo Viettel Post bất ngờ tung ứng dụng gọi xe MyGo Bộ GTVT muốn quản lý Grab, Fast Go, Be.. giống taxi Bộ GTVT muốn quản lý Grab, Fast Go, Be.. giống taxi Sau xe máy, ô tô, FastGo Việt Nam tiến tới ra mắt dịch vụ gọi trực thăng Sau xe máy, ô tô, FastGo Việt Nam tiến tới ra mắt dịch vụ gọi trực thăng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước