Thí điểm thuế bất động sản của Trung Quốc liệu có khả thi?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 30/10/2021 12:24 GMT+7

VTV.vn -Mục tiêu "thịnh vượng chung" đang là chủ đề nóng tại Trung Quốc. Mới đây nước này lần đầu tiên trong lịch sử đưa ra mục tiêu áp thuế bất động san. Liệu việc này có khả thi?

Trung Quốc áp dụng thuế hàng năm với bất động sản thương mại

Tuần qua, một quyết định gây chấn động thị trường tài chính Trung Quốc đó là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc áp thuế sở hữu với mọi loại hình bất động sản trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu nhằm kiểm soát giới nhà giàu tích lũy của cải từ đầu cơ nhà đất.

Từ lâu Bắc Kinh vẫn muốn áp thuế bất động sản trên toàn quốc. Theo Moody's, hiện trung bình bất động sản chiếm tới 70 - 80% tài sản của các hộ gia đình ở Trung Quốc và đóng góp khoảng 10% thu nhập của hộ gia đình.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều người giàu nhanh nhờ cơn sốt đất, cũng như bong bóng thị trường bất động sản quá nóng khiến nền kinh tế trở nên bất ổn, đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng. Do vậy, thuế bất động sản được kỳ vọng sẽ giúp tái phân phối lại tài sản từ giới nhà giàu, cũng như ổn định giá nhà đất tại những thị trường nóng nhất.

Hiện Trung Quốc có áp dụng một khoản thuế hàng năm đối với bất động sản thương mại nhưng không áp dụng với hầu hết các tài sản nhà ở. Tuy vậy, khái niệm thuế bất động sản cũng không có gì là mới tại Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc đã bàn thảo về vấn đề thuế bất động sản từ năm 2003, tức gần 20 năm trước. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có thành phố Thượng Hải và Trùng Khánh áp dụng giới hạn các quy định này với "chủ sở hữu".

Kế hoạch thuế bất động sản mới của Trung Quốc

Những người sở hữu một ngôi nhà tại Trung Quốc có thể giật mình. Nếu sở hữu ngôi nhà thứ hai sẽ phải toát mồ hôi. Còn có tới ngôi nhà thứ 3 trở lên chắc sẽ phải khóc thét vì họ không còn được miễn thuế bất động sản nữa. Đây là điểm khác biệt lớn so với các cuộc thử nghiệm thuế bất động sản trước đây, khi chỉ những khu bất động sản cao cấp và biệt thự mới phải nộp thuế.

Tuy nhiên mức thuế áp cho ngôi nhà đầu tiên sẽ tương đối thấp để đảm bảo chủ nhà đủ khả năng thanh toán. Mức thuế được dự báo dao động trong khoảng 0,2 - 1% giá trị đã được thẩm định của ngôi nhà và giao động tùy khu vực dân cư.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể miễn thuế một phần căn nhà ví dụ từ 30 - 60 m2 mỗi nhà, dựa theo không gian sống bình quân đầu người trong khu vực.

Khu vực thí điểm đánh thuế bất động sản nhiều khả năng sẽ là các thành phố Bắc Kinh, Nam Kinh, Thâm Quyến, Hàng Châu, Ninh Ba, và Tô Châu. Kế hoạch thí điểm dự kiến kéo dài trong 5 năm, với mục tiêu chống nạn đầu cơ và thổi giá bất động sản một cách phi lý.

Theo CNBC quyết tâm xây dựng một Trung Quốc thịnh vượng cho tất cả mọi người, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ tạo ra sự khác biệt cho kế hoạch áp thuế lần này. Mặc dù kế hoạch áp thuế chi tiết chưa được tiết lộ, một số nhà phân tích kỳ vọng việc áp thuế mới sẽ khá giống với cách áp thuế tại các thị trường phát triển.

Việc thử nghiệm thuế bất động sản liệu có khả thi?

Bất động sản được xem là một trong những cơ chế phân bổ tài sản quan trọng nhất trong suốt 20 năm qua tại Trung Quốc và đây cũng được xem là một trong những gốc rễ lớn nhất tạo ra sự bất bình đẳng thu nhập trong xã hội Trung Quốc.

Trên thực tế, người lao động với mức lương hàng tháng chỉ vài nghìn Nhân dân tệ phải hoàn thành trách nhiệm nộp thuế cá nhân của họ, trong khi những người sở hữu các loại hình bất động sản trị giá hàng triệu Nhân dân tệ lại không phải đóng thuế. Liệu việc thử nghiệm thuế bất động sản có khả thi trong lần này?

Thí điểm thuế bất động sản của Trung Quốc liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Từ lâu Bắc Kinh vẫn muốn áp thuế bất động sản trên toàn quốc. Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Năm 2022 là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc muốn để lại một dấu ấn đó là "Cộng đồng phú dụ", phương Tây hay gọi là "Thịnh vượng chung".

Ở Trung Quốc, một khi lãnh đạo cao nhất phát biểu về đường hướng mới hầu như các chủ trương đều nhanh chóng xoay quanh "thịnh vượng chung". Giảm giá nhà đất cũng là một mục tiêu quan trọng nhằm giảm áp lực cho các gia đình trẻ để khuyến khích chịu sinh 3 con vì sự phát triển của đất nước.

Chuyên gia kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie nhận định chính sách không thực sự làm gia tăng ngân sách địa phương nhiều. Bởi thí điểm mấy năm nay ở Thượng Hải, Trùng Khánh, thuế này chỉ chiếm 5% nguồn thu. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng về lâu dài nó mang lại hiệu quả lớn, nhất là gửi thông điệp rõ ràng làm chùn bước nạn đầu cơ bất động sản.

Theo nhiều chuyên gia, đánh thuế bất động sản trong lúc này là khả thi bởi Trung Quốc đang trên đà chấn chỉnh nhiều lĩnh vực từ lập lại trật tự lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục đến giải trí.

"Thịnh vượng chung" không chỉ kêu gọi doanh nghiệp giàu có có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn mà còn hướng đến đánh thuế và nhiều giải pháp an sinh xã hội để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, để mọi người cùng giàu. Tuy nhiên, trong giai đoạn Trung Quốc có nhiều thay đổi lớn trong chính sách thì giới quan sát nhận định nước này chắc chắn sẽ triển khai nhưng sẽ đi từng bước để nghe ngóng.

Rào cản Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong việc áp thuế bất động sản

Dù động lực chính trị mạnh mẽ tuy nhiên Trung Quốc sẽ chưa thể đánh thuế bất động sản ngay lập tức trên toàn quốc. Với một chính sách quá lớn ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu trên dưới 300 triệu người, Trung Quốc sẽ làm từng bước thận trọng. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ có một sự phản kháng nào đó từ tầng lớp này.

Trong giai đoạn đầu, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc cũng chỉ đưa ra ở mức thuế đã thí điểm tại Thượng Hải và Trùng Khánh trên dưới 1% giá bán bất động sản. Phạm vi lúc đầu cũng chỉ ở những thành phố lớn. Thâm Quyến sẽ được chọn vì nơi đây có giá nhà thuộc hàng cao hàng đầu thế giới, gấp hơn 43,5 lần so với mức lương trung bình của người dân tại chỗ.

Là một trong những động lực của tăng trưởng nền kinh tế, ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều ngành nghề nên nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng chưa dám mạo hiểm làm quá mạnh tay để xáo trộn mọi thứ.

Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc những hệ quả kinh tế của bất kỳ động thái nào đối với thị trường bất động sản khổng lồ. Nếu xảy ra một đợt bán tháo nhà đất trên diện rộng, việc triển khai thuế bất động sản có thể phải trì hoãn, và khả năng các cá nhân nộp đơn xin miễn thuế nhà đất sẽ tăng lên.

Thí điểm thuế bất động sản của Trung Quốc liệu có khả thi? - Ảnh 2.

Dù động lực chính trị mạnh mẽ tuy nhiên Trung Quốc sẽ chưa thể đánh thuế bất động sản ngay lập tức trên toàn quốc. Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc dự kiến thu hút 160 tỷ đầu tư nước ngoài

Mong muốn thúc đẩy việc áp thuế bất động sản của Chủ tịch Tập Cận Bình phản ánh niềm tin ngày càng tăng ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc có thể sẽ siết lại quản lý của rất nhiều vấn đề quan trọng trong vấn đề thị trường nhà ở, bất chấp khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế trong ngắn hạn.

Trung Quốc không muốn quá phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản để làm trụ cột cho tăng trưởng kinh tế nữa. Thay vào đó, nước này hạ quyết tâm, dồn lực vào công nghệ, để đưa đất nước tới "thịnh vượng và quyền lực".

Do vậy, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập mục tiêu "Thịnh vượng chung" trong bài phát biểu hồi tháng 8, một chiến dịch "thanh lọc" kéo dài cả tháng trời, trong ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng và tự do quá mức đã diễn ra.

Hàng loạt các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ trong các lĩnh vực video game, dạy thêm, hay hàng trăm ứng dụng đã phải nhanh chóng khắc phục sai phạm liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hay xâm phạm quyền riêng tư của người dùng… để hướng tới một sự phát triển bền vững hơn trong dài hạn.

Sự thịnh vượng chung đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng khó định hướng hơn cho các đối tác nước ngoài. Liệu rằng điều này có ảnh hưởng đến tâm lý của giới đầu tư nước ngoài với các cổ phiếu cũng như trái phiếu Trung Quốc?

Các nhà đầu tư vào những tập đoàn công nghệ như Alibaba, Didi, hay công ty lĩnh vực giáo dục trực tuyến New Oriental Education & Technology cho biết giá cổ phiếu của họ đã lao dốc, gây thiệt hại hàng tỷ USD vì những quyết định của Bắc Kinh. Chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ tỏ ra thận trọng hơn trước những chính sách mới được ban hành.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là giới đầu tư hay các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường tỷ dân. Nhiều công ty Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư.

Chẳng hạn như năm nay, Blackrock đã trở thành công ty nước ngoài đầu tiên vận hành một quỹ tương hỗ, sở hữu nước ngoài hoàn toàn đầu tiên ở Trung Quốc. Hãng khuyến khích các nhà đầu tư tăng vốn vào thị trường này ít nhất gấp 3 lần.

Hay Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này dự kiến thu hút hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 160 tỷ USD) đầu tư nước ngoài trong năm nay. Hơn 3 nghìn doanh nghiệp nước ngoài chủ chốt được khảo sát cho biết hơn 93% lạc quan về khả năng phát triển trong tương lai, cũng như đa số không có kế hoạch giảm đầu tư hay rút khỏi thị trường này.

Giới doanh nghiệp Trung Quốc hướng đến mục tiêu "thịnh vượng chung"

Nếu sự thịnh vượng chung có nghĩa là tăng cường tập trung vào tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc thì điều đó có thể có nghĩa là nó sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp toàn cầu phục vụ những khách hàng này. Do vậy, không chỉ giới đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài tự tin vào tiềm năng phát triển của Trung Quốc, mà nhiều công ty Trung Quốc cũng đã công khai ủng hộ tầm nhìn mới của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Một trong những cái tên đi đầu trong các đóng góp cộng đồng là ông lớn công nghệ Tencent, khi ngay từ tháng 4, công ty này đã thông báo đã dành ra một quỹ trị giá 7,7 tỷ USD cho chiến lược "Sáng tạo giá trị xã hội bền vững", nhằm giải quyết các vấn đề xã hội thông qua công nghệ và kinh doanh, và mới đây hãng tiếp tục nâng gấp đôi con số cam kết đóng góp này.

Một đối thủ của Tencent là Alibaba cũng không hề chậm chân khi đã cam kết 15,5 tỷ USD cho các mục tiêu bình đẳng xã hội theo 5 ưu tiên chính: Đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo ra "việc làm chất lượng cao", hỗ trợ các cộng đồng yếu thế và thành lập một quỹ phát triển đặc biệt. Sự kiện Lễ độc thân 11/11 tới đang được chờ đợi là nơi Alibaba cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Bloomberg, đến cuối tháng 8, ít nhất 73 doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc đã đưa ra các cam kết khác nhau cho mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chính phủ. Chỉ riêng 5 tỷ phú công nghệ hàng đầu nước này cũng đã tuyên bố sẽ dành tổng cộng 13 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ xã hội.

Trung Quốc tồn kho 30 triệu bất động sản Trung Quốc tồn kho 30 triệu bất động sản

VTV.vn - Thị trường bất động sản Trung Quốc đang có những tín hiệu lao dốc sau nhiều năm tăng trưởng nóng, để lại nhiều vấn đề đau đầu cho giới chức nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước