Thái Lan: Ngày đầu chiến dịch “chiếm đóng” Bangkok

Hữu Hưng-Thứ hai, ngày 13/01/2014 19:03 GMT+7

Giao thông tại Thủ đô Bangkok đã có sự xáo trộn do người biểu tình phong tỏa nhiều giao lộ lớn. (Ảnh: AP)

Phe đối lập ở Thái Lan hôm nay (13/1) đã bắt đầu chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" nhằm làm tê liệt Thủ đô.

Mục đích của những người biểu tình là yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Yingluck từ chức trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới.

Những người biểu tình đã thực hiện theo đúng kế hoạch của họ, chiếm đóng 7 điểm nút giao thông quan trọng của Bangkok nhằm làm tê liệt hoạt động của thành phố với 12 triệu dân này.

Đây là chiến dịch lớn thứ hai của phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu kể từ chiến dịch chiếm đóng các tòa nhà chính phủ tháng trước nhưng không đi đến thành công.

Tiến sĩ Michael Montesano, chuyên gia nghiên cứu Thái Lan, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: “Hoạt động đóng cửa Bangkok cho thấy 2 điều: Thứ nhất là ông Suthep muốn những người ủng hộ mình tiếp tục có các hoạt động và đi theo lộ trình. Ý thứ hai cho thấy là ông Suthep đang nỗ lực tuyệt vọng để tìm cách ngăn cản cuộc bầu cử. Chúng ta phải lưu ý là những gì diễn ra trong việc đóng cửa Bangkok là hành động bất hợp pháp”.

Bên cạnh việc phong tỏa các trung tâm giao thông, khoảng 15 địa điểm là trụ sở chính phủ, các bộ, trụ sở cảnh sát, nhà riêng Thủ tướng cũng đã bị người biểu tình bao vây. Hàng trăm trường học bị đóng cửa, việc giao thông đi lại của hàng triệu người dân Bangkok và du khách bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo kinh doanh và kinh tế, kế hoạch đóng cửa Bangkok của người biểu tình chống chính phủ có thể sẽ gây thiệt hại khoảng 40 tỷ baht (1,25 tỷ USD) cho nền kinh tế hoặc làm giảm tăng trưởng GDP khoảng 0,2% so với dự báo ban đầu. Nhiều người dân Bangkok đã mệt mỏi với các hoạt động biểu tình.

Một người dân Bangkok nói: “Lúc đầu tôi ủng hộ biểu tình chống lại dự luật ân xá vì theo tôi, những người phạm tội cần bị trừng phạt. Nhưng sau khi dự luật bị bác bỏ, ông Suthep tiếp tục duy trì các hoạt động phản đổi. Tôi nghĩ ông ấy chỉ quan tâm đến quyền lợi của riêng mình”.

Ông Khachorndej Harnsakda, người dân Bangkok chia sẻ: “Phần lớn người dân ra đường vì họ muốn bảo vệ hoàng gia. Tôi tin rằng nhiều người ra đường cũng không bởi vì ủng hộ ông Suthep hay Đảng Dân chủ”.

Khoảng 20.000 nhân viên an ninh và quân đội đã được triển khai để duy trì trật tự an ninh trong lúc Chính phủ Thái Lan vẫn theo dõi sát diễn biến hoạt động của phong trào biểu tình.

Hoạt động của những người biểu tình trong chiến dịch đóng cửa Bangkok đến thời điểm này diễn ra đúng theo kế hoạch của họ và trong không khí hòa bình. Trong khi đó thì Chính phủ Thái Lan cũng đã hết sức mềm mỏng, có thể nói là những biện pháp mềm để cho những người biểu tình hoạt động theo ý họ muốn, đồng thời chỉ đạo các lực lượng an ninh kiềm chế tối đa để tránh xung đột có thể xảy ra.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước