Dịch COVID-19: Bệnh viện là chiến trường, bảo vệ chiến sĩ áo trắng tuyến đầu là nhiệm vụ cấp thiết

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 28/03/2020 13:19 GMT+7

VTV.vn - Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, việc bảo vệ các bác sĩ - những chiến sĩ tuyến đầu bảo vệ cộng đồng - là điều cấp thiết.

Đã có ít nhất 4 nhân viên y tế nhiễm COVID-19. Hiện tượng lây nhiễm chéo trong bệnh viện đã xuất hiện. Cuộc chiến chống dịch tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phức tạp hơn, bởi các y, bác sĩ chính là tấm lá chắn cho toàn bộ hệ thống phòng dịch quốc gia. Bệnh viện trở thành chiến trường, bảo vệ các y, bác sĩ trên tuyền đầu lúc này là nhiệm vụ cấp thiết.

Họ đang gặp phải những khó khăn nào? Hệ thống y tế đã và đang làm gì để bảo vệ những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu? Chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, TS. Vũ Đình Phú – Trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phần nào trả lời những câu hỏi này.

Về chủ đề của chương trình, TS. Vũ Đình Phú chia sẻ: "Chúng tôi rất buồn khi nghe tin những đồng nghiệp của mình nhiễm COVID-19. Nhưng dưới góc độ chuyên môn, chúng tôi phải ngay lập tức rà soát quy trình khám chữa bệnh, các công tác chuyên môn nghiệp vụ với mục tiêu là kịp thời thông báo các lỗ hổng, khâu chưa đảm bảo để kịp thời khắc phục, tránh nguy cơ lây nhiễm. Bệnh viện đã có cuộc họp để xem xét, rút kinh nghiệm và đưa ra phương pháp để hạn chế lây nhiễm. Toàn bộ cán bộ nhân viên của bệnh viện luôn sẵn sàng chiến đấu để phục vụ và cứu chữa cho người bệnh".

Đối mặt với một dịch bệnh chưa từng có, TS. Vũ Đình Phú đã phân tích một số khó khăn mà các cán bộ nhân viên y tế đối mặt ở thời điểm hiện tại.

"Trong việc phòng chống thì khó khăn nhất là dự đoán khả năng lây truyền, đường lây truyền và cách làm sao có biện pháp phòng chống hiệu quả. Đối với việc điều trị, bệnh dịch mới không có thuốc đặc hiệu nên việc theo dõi điều trị gặp khó khăn, đặc biệt là trong những ca bệnh nặng. Việc lây lan của người bệnh là áp lực rất lớn cho người thầy thuốc, phải đảm bảo ưu tiên đầu tiên là cứu sống sinh mạng người bệnh, thứ hai là không để dịch bệnh lây lan qua những người khác", ông Vũ Đình Phú cho biết.

"Với những dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh và nguy hại như hiện tại thì lâu rồi chúng ta không có nên những phương tiện còn hạn chế, chẳng hạn như với yếu tố con người, dù được học kiến thức tại nhà trường nhưng trong thực tiễn chúng ta chưa được vận dụng..." - TS. Vũ Đình Phú nói tiếp.

"Mặc dù trong những năm qua Nhà nước đã hỗ trợ nhiều cho ngành y tế, nhiều cơ sở được xây dựng nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, chưa phù hợp với dịch bệnh như thế này vì mức độ lây lan và cách phòng chống rất khác".

Vậy phương án bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế như thế nào? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Chúng tôi đã khuyến cáo các cơ sở y tế tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn, đặc biệt khi có tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Có hai khuyến cáo quan trọng được Bộ Y tế đề xuất đến các cơ sở y tế. Đó là trong trường hợp thực hiện thủ thuật gần đường thở người bệnh thì phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, mang đầy đủ dụng cụ bảo hộ và yêu cầu Khoa chống nhiễm khuẩn của mỗi bệnh viện phải cử nhân viên để làm nhiệm vụ kiểm soát một lần nữa trước khi các nhân viên y tế làm thủ thuật trong trường hợp cấp cứu, để đảm bảo an toàn, cố gắng ở mức tuyệt đối, cho nhân viên y tế".

"Về nguồn lực khẩu trang y tế, chúng ta đang cố gắng để tập hợp được 30 triệu khẩu trang và hiện đạt được 10 triệu khẩu trang chuẩn bị cho công cuộc chống dịch. Lượng khẩu trang y tế chỉ có hạn vì tiêu chuẩn chất lượng để có thể đảm bảo là khẩu trang y tế, chúng ta không thể sản xuất vô hạn", PGS.TS Nguyễn Trường Sơn chia sẻ thêm về việc ưu tiên dành khẩu trang y tế cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

"Chúng ta có 100 triệu người dân, nếu mỗi người dùng một ngày 1 cái thì sẽ mất 100 triệu khẩu trang y tế. Về khoa học, khẩu trang y tế để bảo vệ gần với những người tiếp xúc, khẩu trang thường, khẩu trang vải nếu đủ điều kiện có lớp kháng khuẩn chống giọt bắn thì người dân hoàn toàn có thể sử dụng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước