Một năm đầy thách thức của ngành tôm

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 24/03/2024 19:40 GMT+7

VTV.vn - Do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, kèm với khan hiếm nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, theo đánh giá, vụ nuôi đầu tiên của năm 2024, bà con gặp không ít bất lợi.

Vụ tôm đầu năm nhiều khó khăn

Bà con nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay bước vào vụ sản xuất đầu năm. Sau thời gian cải tạo đất, xử lí nguồn nước, ở nhiều khu vực người nuôi tôm đã tiến hành thả giống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, kèm với khan hiếm nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, theo đánh giá, vụ nuôi đầu tiên của năm 2024, bà con gặp không ít bất lợi.

Thời tiết là khó khăn đầu tiên của vụ thả tôm khi hanh khô, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Không ít hộ đã thiệt hại sớm sau thời gian thả giống một tháng. Bên cạnh đó là giá cả đầu vào ở mức cao, trong khi giá tôm ở mức thấp. Đó cũng là lí do mà nhiều nông dân tại Bạc Liêu chỉ thả giống cầm chừng.

Ông Hứa Văn Quốc - Xã Vĩnh Thịnh, Hòa Bình, Bạc Liêu cho biết: "Giá cả bị bấp bênh, nuôi cũng không có lãi. Mong muốn làm sao nạo vét kênh thông thoáng, lấy nước sạch cho môi trường ổn định, cũng yêu cầu giá cả ổn định".

Theo ngành chức năng Bạc Liêu, 2024 tiếp tục là năm đầy thách thức của ngành tôm. Trong đó, tình hình hạn hán xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài sẽ tác động trực tiếp môi trường nuôi và là tác nhân gây ra nhiều loại dịch bệnh trên tôm. Song song đó, giá tôm khó có thể phục hồi như nhiều năm trước do lĩnh vực xuất khẩu tôm của tỉnh cũng đang gặp khó khăn.

Ông Lưu Văn Tỷ - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu nhận định: "Siêu thâm canh giai đoạn này là giai đoạn vụ thuận. Tuy nhiên, bà con cần phải ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật để chủ động vào sản xuất và quan tâm bảo vệ môi trường, hạn chế thả giống trong thời điểm nắng nóng để hạn chế thiệt hại".

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm năm 2024 của Bạc Liêu là hơn 140.000 ha, sản lượng gần 280.000 tấn. Diện tích không tăng nhưng sản lượng tăng gần 13%. Với tình hình khó khăn như hiện nay, để đạt được mục tiêu này, thủ phủ tôm cả nước rất cần những giải pháp đồng bộ.

Một năm đầy thách thức của ngành tôm - Ảnh 1.

Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay vẫn sẽ đạt mục tiêu đặt ra

Ngành tôm với mục tiêu 4 tỷ USD

Có quá nhiều cái khó của ngành hàng vốn là lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Câu chuyện ở ở thủ phủ tôm Bạc Liêu cũng là tình hình chung ở nhiều địa phương gắn bó với loài thủy sản này. Theo Hội Thủy sản Việt Nam, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay vẫn sẽ đạt mục tiêu đặt ra. Theo đó, có nhiều việc sẽ phải làm từ nhiều phía, ngay từ bây giờ để có thể đạt được mục tiêu của ngành tôm nay năm nay.

Giá xuất khẩu tôm của Việt Nam đang cao hơn một số nước từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất đang quá cao. Đó cũng là lí do mà anh Long Văn Nghĩa - Huyện Hoà Bình, Bạc Liêu luôn tìm kiếm các mô hình sản xuất phù hợp.

Anh chia sẻ: "1 kg tôm được 30 con thì đầu tư khoảng 100.000 đồng. Hiện nay, với một kg tôm khoảng 30 con thương phẩm tôm thẻ thì chúng ta đầu tư khoảng 80.000 đồng".

Giảm chi phí, tăng sản lượng, tăng sức cạnh tranh còn đến từ việc áp dụng máy móc, khoa học kĩ thuật. Tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam vừa tổ chức tại Cà Mau, hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp đã giúp nông dân, hợp tác xã tiếp cận gần hơn các giải pháp. Chẳng hạn nuôi tôm sử dụng Artemia tươi sống và công cụ giúp người nuôi kiểm soát hệ vi sinh vật trong môi trường nước.

Ông Rudi Bijnens - Giám đốc Thương mại Tập đoàn I&V Bio nêu ý kiến: "Chúng tôi mang lại một giải pháp bằng cách cung cấp cho người nuôi ấu trùng Artemia đã được khử khuẩn, sạch bệnh, không nhiễm vibrio, EHP… Người nuôi tôm sẽ không lo ngại về việc ao nuôi bị lây nhiễm bệnh từ Artemia như họ thường gặp phải khi tự ấp như trước nay".

Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, hiện nay các doanh nghiệp trong nước cũng chủ động tiếp cận người nuôi tôm bằng các mô hình, các chế phẩm do Việt Nam tự sản xuất.

"Giá thành khoảng 360.000 - 370.000 đồng, nhưng sản phẩm đồng loại của vi sinh CỦA các nhóm khác thì một lít có thể là 1 – 1,2 triệu. Giá thành rất hiệu quả trong thời điểm giá tôm chưa tăng cao" - ông Ngô Minh Luân - Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Vemedim cho biết.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa, chế biến sâu sản phẩm từ con tôm cũng là cách mở thêm thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Lin Wei – Chih - Công ty TNHH Uni-President Việt Nam đưa ra quan điểm: "Tiềm năng rất lớn, đối với những thành phố lớn, các gia đình đi làm việc sau khi về có thể mua sản phẩm chế biến sẵn này về, hâm nóng lên là có thể sử dụng được".

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Mỗi thị trường có đòi hỏi về tiêu chuẩn, qui chuẩn khác nhau, kể cả tôm đông lạnh và tôm chế biến, do vậy việc chế biến sâu, phục vụ nhu cầu các thị trường là đòi hỏi cấp bách".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 khó khăn dù còn nhiều, nhưng dự báo ngành tôm xuất khẩu sẽ khởi sắc, tăng 10 - 15% so với năm 2023, dự kiến thu về hơn 4 tỉ USD.

Tăng sức cạnh tranh của tôm Việt

4 tỷ USD là mục tiêu của ngành tôm năm nay. Để đạt được mục tiêu này cần phải có nhiều giải pháp, nhất là để giải quyết những bất lợi trong vụ tôm năm nay. Đặc biệt là giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Chúng tôi phát triển nuôi giống sạch, nuôi giống đảm bảo chất lượng để người nuôi tôm đạt hiệu quả về năng suất, chất lượng tôm và đồng thời sử dụng vùng nuôi an toàn, vệ sinh thực phẩm, nuôi tôm sạch, tôm có chất lượng để cạnh tranh với tôm khác của nước ngoài, đồng thời đi sâu vào các thị trường khó tính để nâng giá trị con tôm".

Ông Nguyễn Hữu Anh - Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu chia sẻ: "Bà con nuôi tôm hiện nay đang rất cần vốn để đầu tư hoặc tái đầu tư. Bà con hiện rất khó khăn, cần nguồn vốn lớn từ các tổ chức tín dụng như Chính phủ để hỗ trợ bà con".

"Phải theo dõi rất chủ động tình hình diễn biến của thời tiết, tình hình diễn biến của thị trường để từ đó điều chỉnh công nghệ nuôi và qui trình áp dụng cho phù hợp để đảm bảo thành công cao nhất" - ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng: "Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đạt 4,31 tỉ USD, chiếm khoảng 38% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản là 11 tỷ USD. Nếu như chúng ta khắc phục những khó khăn, có giải pháp đột phá về vốn, về hạ tầng, về khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ có một ngành hàng tôm không thua kém khu vực và thế giới".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước