5 trẻ thừa cân, béo phì mắc COVID-19 suy hô hấp nặng được cứu sống

Linh Chi, icon
11:14 ngày 05/10/2021

VTV.vn - Trong khoảng 1 tháng gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) liên tiếp cấp cứu trường hợp bệnh nhi bị COVID-19 nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng.

Một bệnh nhi thừa cân, béo phì mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

5 bệnh nhi có độ tuổi từ 10-14 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh trước đó và đều có tình trạng thừa cân, béo phì với chỉ số khối cơ thể BMI trên 30 (4 trẻ cân nặng 70 - 100kg).

Các bệnh nhi đều có triệu chứng sốt, ho, thở mệt và nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng với tím môi, thở co kéo, tụt SpO2 và thất bại với thở oxy qua cannula. X-quang phổi biểu hiện tổn thương phổi lan tỏa 2 bên với hội chứng nguy kịch hô hấp cấp và xét nghiệm máu cho thấy phản ứng viêm rất mạnh gây tổn thương các cơ quan.

Các bác sĩ đã nhanh chóng hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở NCPAP với áp lực dương liên tục, thậm chí có trường hợp phải thở máy. Tất cả các bệnh nhi đều được điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh phổ rộng, kháng viêm liều cao và kháng đông ngừa huyết khối theo phác đồ của Bộ Y tế, có bệnh nhi được sử dụng thêm thuốc kháng siêu vi Remdesivir.

Rất may mắn là 5 bệnh nhi đều có đáp ứng điều trị tốt với sự cải thiện tình trạng suy hô hấp, giảm phản ứng viêm, cải thiện chức năng các cơ quan. Sau thời gian điều trị khoảng 2 - 3 tuần, đã có 3 bệnh nhi xuất viện khỏe mạnh, còn 2 bệnh nhi đã ngưng oxy, đang theo dõi và chờ xét nghiệm PCR COVID-19 âm tính để xuất viện.

Hiện nay, theo thống kê cho thấy trẻ em nhiễm COVID-19 hầu hết là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Chỉ có khoảng dưới 2% có triệu chứng nặng và thường là ở trẻ có bệnh lý nền nặng hoặc trẻ dư cân, béo phì. Đặc biệt, trẻ thừa cân, béo phì khi bị COVID-19 thường dễ diễn tiến nặng với suy hô hấp và tổn thương các cơ quan.

Các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy: Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh COVID-19 nặng, tăng nguy cơ nhập viện, suy hô hấp nặng, thở máy và tử vong. Nguyên nhân có thể do tăng phản ứng đáp ứng viêm, phản ứng tăng đông quá mức ở bệnh nhân dư cân béo phì đối với SARS-CoV-2 và tình trạng béo phì cũng gây hạn chế chức năng hô hấp làm trẻ dễ suy hô hấp hơn.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì khá cao và trong giai đoạn giãn cách hiện nay, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em lại có nguy cơ tăng cao do chế độ ăn chưa hợp lý và trẻ ít vận động hơn. Vì vậy, trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, các bậc cha mẹ cần kiểm soát cân nặng trẻ bằng chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý và khoa học, khuyến khích trẻ tăng vận động, tập thể dục để giảm dư cân.

Khi Bộ Y tế cho phép tiêm ngừa COVID-19 ở trẻ dưới 18 tuổi, các trẻ thừa cân, béo phì là đối tượng nên được ưu tiên bên cạnh trẻ em có bệnh lý nền nặng. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi tại nhà trẻ bị COVID-19, trẻ thừa cân béo phì cần được theo dõi sát. Nếu trẻ có các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, hụt hơi, tụt SpO2 dưới 93% hoặc các dấu hiệu nặng khác thì cần nhanh chóng nhập viện điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục