Bác sĩ "bó tay" vì ổ sán lá ruột quá nhiều gắp mãi không hết

Tuấn Bảo, icon
08:30 ngày 09/07/2020

VTV.vn - Đây là trường hợp bệnh nhân nữ 42 tuổi ở Quế Phong, Nghệ An được chẩn đoán sán lá ruột lớn.

Bệnh nhân H., 42 tuổi đến khám Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) với các triệu chứng đau bụng âm ỉ lâu ngày, thiếu máu mãn tính.

Các bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám lâm sàng đã cho chỉ định nội soi thực quản dạ dày và đại trực tràng. Trong quá trình nội soi, có nhiều kí sinh trùng là sán lá ruột lớn được phát hiện ở hồi tràng (đoạn cuối ruột non) đang bám chặt vào thành ruột.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hóa, Khoa Nội đã tiến hành gắp những con sán có kích thước lớn 2 - 3cm ra khỏi ruột non của bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là một ổ rất nhiều sán lá ruột lớn nên không thể nào gắp hết ra được.

Bệnh nhân được chuyển qua chuyên Khoa Ký sinh trùng để điều trị triệt để sán.

Theo các bác sĩ, sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski) bình thường ký sinh trong tá tràng của lợn nhưng có thể gặp ở người dưới dạng trưởng thành ký sinh trong ruột non, bám vào niêm mạc ruột hoặc lặn trong dịch nhầy. Trứng sán theo phân ra môi trường có giai đoạn phát triển trong ốc, sẽ nở thành ấu trùng và bám vào các thực vật thủy sinh.

Người nhiễm sán thường do ăn các cây thực vật thủy sinh còn sống hoặc chưa nấu chín như: củ ấu, rau ngổ, ngó sen, rau muống,… có chứa nang trùng sán. Từ khi nang trùng xâm nhập vào cơ thể đến khi phát triển thành con trưởng thành mất khoảng 3 tháng. Số lượng sán dao động từ vài con đến vài nghìn con.

Người bệnh khi nhiễm sán trong giai đoạn đầu thường có triệu chứng mệt mỏi, đôi khi đau bụng tiêu chảy, thiếu máu nhẹ. Trường hợp nặng hơn, người bệnh sẽ bị sụt cân, tiêu chảy thất thường, phân lỏng có lẫn nhiều chất nhầy hay thức ăn không tiêu. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, thường đau bụng ở vùng hạ vị và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội, bụng bị chướng, nhất là trẻ em.

Ngoài ra, sán có thể gây tắc ruột. Khi nhiễm nhiều sán người bệnh còn có thể nôn ra trứng sán hoặc sán, nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong trong tình trạng suy kiệt.

Để phòng tránh nhiễm sán lá ruột, người dân nên chú ý:

- Ăn chín uống sôi, không ăn thực vật thủy sinh còn sống hoặc chưa nấu chín.

- Không đi đại tiện xuống ao, hồ…

- Điều trị nguồn bệnh triệt để.

- Khi có các triệu chứng như mệt mỏi đi kèm tiêu chảy, sụt cân thất thường, nên đi khám để bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, phát hiện và hỗ trợ điều trị.

- Đối với những hộ gia đình có chăn nuôi lợn: Nên quản lý nguồn phân của lợn, không cho thải ra ao, hồ...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục