Bé 13 tuổi bị điện giật bỏng 90% cơ thể khi đi câu cá

P.V, icon
07:39 ngày 15/07/2023

VTV.vn - Các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương (Phú Thọ) đang nỗ lực cấp cứu cho một bệnh nhi 13 tuổi bị điện giật khi đi câu cá.

Xử trí cấp cứu bệnh nhi.

Theo người dân cho biết, bệnh nhi đi chân đất câu cá bằng cần câu (vật liệu cacbon) tại mương gần đường điện cao thế thì bị điện phóng vào người. Bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó.

Bệnh nhi được đưa về bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đớn, kích thích, bỏng 90% cơ thể, đau tức ngực, khó thở.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, giảm đau, chống sốc, vệ sinh băng bỏng toàn thân, đặt ống nội khí quản thở máy cho bệnh nhi.

Hiện, các bác sĩ đang nỗ lực cấp cứu bệnh nhi.

Thực tế khi câu cá dưới đường điện cao thế, lúc cá cắn câu, giật hoặc quăng cần câu, dây câu rất dễ vướng vào lưới điện, khiến người câu lập tức bị phóng điện. Người câu có thể cầm cần câu bằng một hoặc hai tay, đây là điểm vào của dòng điện. Một hoặc hai bàn chân thường là điểm ra của dòng điện, các ngón chân rất dễ bị tổn thương. Điểm vào và ra của dòng điện là những nơi trên cơ thể bị dòng điện phá hủy nghiêm trọng. Khi dòng điện truyền qua cơ thể sẽ gây tổn thương theo hai hình thức:

- Đối với toàn thân: Dưới sự kích thích của dòng điện sẽ gây ngừng tuần hoàn và hô hấp, còn gọi là sốc điện. Nếu không biết cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ tử vong.

- Tại chỗ: Dòng điện sẽ phá hủy mô tế bào theo hai cơ chế: điện năng chuyển thành nhiệt năng gây tổn thương và hủy hoại mô ngay khi nó truyền qua ở các mức độ khác nhau. Tổn thương gián tiếp, do dòng điện làm tổn thương tế bào mạch máu, thần kinh nơi dòng điện tiếp xúc và truyền qua. Những mạch máu này bị hủy hoại dần gây tắc mạch nuôi dưỡng chi và các cơ quan, dẫn tới hoại tử chi và tổ chức, tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc và cường độ dòng điện chạy qua.

Việc câu cá không phải hành vi sai nhưng theo các bác sĩ, phải chọn nơi câu cá đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh. Ngoài việc cắm các biển báo cấm câu cá ở những khu vực nguy hiểm thì việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn điện cho người dân cũng vô cùng cần thiết. Phải để người dân nắm rõ những nơi nào là nguy hiểm, khoảng cách đến đường dây điện thế nào là an toàn và cách xử lý khi bị phóng điện. Đặc biệt, trẻ em dưới 16 tuổi không đi câu cá một mình, cần có sự giám sát của người lớn.

Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền giáo dục, phổ biến rộng rãi nguy cơ bỏng điện, cách sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, bằng cách tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, truyền thanh, báo chí, tranh ảnh, tờ rơi, áp phích.

Khi sự cố xảy ra, người phát hiện phải ngắt dòng điện tại các công tắc ở cột điện. Nếu không tìm thấy công tắc phải nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi nơi tai nạn đến chỗ sạch sẽ. Tuyệt đối không tạt nước vào người nạn nhân; trường hợp người bị nạn bất tỉnh phải thực hiện sơ cứu ban đầu như hô hấp nhân tạo, ép tim, cố định xương gãy… và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục