Bé gái đầu tiên ra đời từ điều trị tắc vòi trứng ở người mẹ

Lê Thạch, icon
09:09 ngày 13/04/2018

VTV.vn - Sản phụ Nguyễn Thị L. bị vô sinh thứ phát do tắc vòi trứng - là người bệnh đầu tiên được điều trị bằng phương pháp mới đã sinh con

Bé gái xinh xắn chào đời

Sáng 12/4, bé gái 3,1 kg khỏe mạnh, xinh xắn, con sản phụ Nguyễn Thị L., đã chào đời tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Giây phút bé chào đời là khoảnh khắc niềm vui vỡ òa của gia đình bé và không ít y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

Bé gái đầu tiên ra đời từ điều trị tắc vòi trứng ở người mẹ - Ảnh 1.

Bé gái đầu tiền ra đời từ phương pháp điều trị tắc vòi trứng ở mẹ

Bị vô sinh thứ phát do tắc vòi trứng, con đường tìm kiếm đứa con thứ 2 của vợ chồng chị Nguyễn Thị L.và Hoàng Ngọc Ch. (trú tại Nghi Lộc, Nghệ An) vô cùng gian nan và kéo dài đằng đẵng suốt 4 năm trời.

Cứ ngỡ rằng vợ chồng phải tìm cơ hội có con bằng cách tiến hành thụ tinh ống nghiệm IVF. Thế nhưng may mắn là chị đã được GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tắc thành công vòi trứng bằng phương pháp mới: nong vòi tử cung bằng catherter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng. Phương pháp luồn catheter để thông vòi tử cung đoạn kẽ bị tắc dưới sự phóng đại của dàn máy nội soi hiện đại. Ngay sau khi thực hiện kỹ thuật, hai vòi trứng của chị L. đã thông hoàn toàn và chỉ sau gần 3 tháng, chị L. đã có thể thụ thai tự nhiên.

Bé gái đầu tiên ra đời từ điều trị tắc vòi trứng ở người mẹ - Ảnh 2.

Hạnh phúc đón con gái thứ 2 của chị L.

Việc thực hiện thành công kỹ thuật này sẽ giúp rất nhiều chị em mắc bệnh lý về tắc vòi tử cung gây vô sinh, hiếm muộn có thể có con tự nhiên. Đặc biệt là ý nghĩa nhân văn của kỹ thuật mang tới. Với chi phí kỹ thuật thấp, những bệnh nhân gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng trang trải kinh phí quá lớn để làm thụ tinh ống nghiệm có thể có thêm cơ hội lựa chọn để tăng cơ hội có thai tự nhiên.

Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ vô sinh do vòi trứng chiếm từ 43% - 59%. Trong đó, vô sinh do tắc vòi trứng đoạn kẽ chiếm từ 15% - 25%. Sau một năm triển khai, đã có khoảng 100 phụ nữ được can thiệp theo kỹ thuật mới này. Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã lập kế hoạch đề nghị được chuyển giao kỹ thuật này. Nếu thuận lợi, bệnh viện sẽ triển khai trong năm 2019 nhằm giảm chi phí, đi lại cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục