Bệnh nhược thị ở trẻ và phương pháp điều trị

Như Thúy, icon
07:03 ngày 06/11/2018

VTV.vn - Nhược thị hay bệnh mắt lười là tình trạng về mắt khi thị lực của một trong 2 mắt bị giảm do mắt và não bộ không phối hợp chặt chẽ cùng nhau.

Các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ nhược thị.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Đông, bệnh nhược thị thường xuất hiện ở một bên mắt, cũng có thể ở cả 2 bên mắt và làm giảm thị lực của trẻ. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chức năng của mắt vĩnh viễn. Khi một hoặc hai mắt bị mờ, não bộ sẽ không nhận được hình ảnh rõ nét từ con mắt đó, dẫn đến tình trạng nhược thị.

Trẻ mắc bệnh này sẽ nhìn thế giới xung quanh mình mờ ảo hơn, nhạt hòa hơn bạn bè có đôi mắt bình thường. Đến khi trẻ lớn lên, bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, học tập và làm việc của trẻ.

Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nhược thị

- Mắc các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị).

- Bị sụp mi mắt, lác mắt.

Ngoài các biểu hiện trên, cha mẹ cũng có thể chú ý đến hành động của trẻ để đoán bệnh và nhanh chóng điều trị cho trẻ như: thường xuyên nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi hay kêu nhức mắt, mỏi mắt.

Để điều trị nhược thị hiệu quả cần làm gì?

Về nguyên tắc, điều trị nhược thị càng sớm càng tốt, tốt nhất là ở giai đoạn trẻ từ 3 - 7 tuổi, vì khi trẻ đã lớn, hệ thần kinh của trẻ đã phát triển hoàn thiện. Do đó, việc kích thích hay tác động đến não bộ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn, ít hiệu quả hơn.

Các bậc cha mẹ nên dần làm quen với việc đưa con mình đi khám định kỳ để sớm phát hiện tật khúc xạ cũng như nhược thị để được điều trị kịp thời. Ở Việt Nam, vì chưa có chương trình sàng lọc thị lực cho trẻ dưới 6 tuổi, nên khi trẻ bắt đầu đi học mầm non là giai đoạn mà cha mẹ đưa trẻ đi khám để có thể phát hiện được các nguyên nhân dẫn đến nhược thị.

Khi phát hiện bệnh nhân bị nhược thị, các bác sĩ sẽ cố gắng phát hiện ra nguyên nhân gây nhược thị, từ đó các cháu sẽ được chỉ định điều trị thích hợp. Việc điều trị nguyên nhân là bắt buộc, kèm theo các bác sĩ có thể chỉ định cho các cháu tập các bài tập nhược thị để phục hồi thị lực cho các cháu. Các bài tập nhược thị hay điều trị tật khúc xạ của trẻ được thiết kế rất khoa học, vừa đảm bảo hiệu quả điều trị nhưng vẫn gây hứng thú cho trẻ, nên các cháu thường rất hào hứng và phối hợp tốt với nhân viên y tế trong quá trình điều trị.

Ngoài việc khuyến khích và nhắc nhở trẻ tập bài tập vật lý trị liệu, cha mẹ còn cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, ăn uống của trẻ giúp trẻ có đôi mắt khỏe mạnh hơn như tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời: chạy nhảy, chơi thể thao, bơi lội, học vẽ v.v… kèm theo ăn uống đầy đủ theo lời khuyên của các chuyên gia tư vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục