Các di chứng sau chấn thương hàm mặt

Văn Thành, icon
08:21 ngày 03/08/2020

VTV.vn - Chấn thương hàm mặt có thể do tai nạn giao thông, bạo lực, tai nạn sinh hoạt... ảnh hưởng không chỉ đến thẩm mỹ, chức năng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân.

Hình minh họa.

Chấn thương hàm mặt do nhiều nguyên nhân gây ra như: tai nạn giao thông, bạo lực, tai nạn sinh hoạt, súc vật cắn... trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân hay gặp nhất.

Theo TS.BS TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tại Việt Nam, theo thống kê, tỷ lệ tai nạn giao thông còn cao, các chấn thương hàm mặt thường gặp từ đơn giản đến phức tạp. Sau khi được điều trị cấp cứu ban đầu, một số vẫn để lại di chứng cả về chức năng lẫn thẩm mỹ và tâm lý cho người bệnh. Di chứng do chấn thương hàm mặt có thể do tổn thương ban đầu hoặc di chứng sau phẫu thuật.

Các di chứng ảnh hưởng đến chức năng

- Nhìn đôi (song thị): bệnh nhân nhìn thấy 2 hình ảnh của sự vật, ảnh hưởng đến khả năng đọc, đi lại. Nguyên nhân do lệch trục nhãn cầu, do kẹt các cơ vận động nhãn cầu vào đường gãy xương ổ mắt.

- Hạn chế vận động nhãn cầu, lác mắt: do cơ vận động nhãn cầu kẹt vào đường gãy xương ổ mắt, trong đó gãy xương ở bờ dưới ổ mắt là hay gặp nhất.

- Sẹo mi dưới gây trễ mi dưới có thể dẫn đến khô giác mạc, loét giác mạc.

- Sẹo mi trên co kéo gây hở mi, hếch mi.

- Quặm mi dưới: mi dưới lộn vào trong làm cho lông mi đâm vào giác mạc, bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, có thể dẫn đến viêm giác mạc. Nguyên nhân do sẹo gây co rút bản trong của mi mắt.

- Chảy nước mắt thường xuyên hoặc viêm túi lệ do chấn thương lệ đạo.

- Cứng khớp thái dương hàm hoặc hạn chế vận động khớp thái dương hàm: Biểu hiện bằng hạn chế há miệng, là di chứng chấn thương gãy lồi cầu xương hàm dưới, hoặc do tập luyện kém sau phẫu thuật.

- Lệch khớp cắn: do lệch tâm của cung răng hàm trên và hàm dưới, làm hạn chế chức năng ăn nhai.

- Ảnh hưởng tới chức năng mũi xoang: ngạt mũi , mất ngửi.

- Viêm xoang mạn tính.

- Di chứng tổn thương tuyến nước bọt mang tai: Rò nước bọt, u nang tuyến nước bọt, viêm tuyến nước bọt, đau mạn tính.

- Tổn thương các thần kinh vùng mặt: Tổn thương thần kinh VII, tổn thương các nhánh cảm giác vùng mặt: gây tê vùng chi phối của dây thần kinh.

Các di chứng ảnh hưởng thẩm mỹ

- Biến dạng khuôn mặt: Các chấn thương xương hàm mặt không được điều trị đúng sẽ gây ra biến dạng khuôn mặt, khó điều trị về gần như bình thường và để lại di chứng biến dạng nhiều hơn.

Một số biến dạng khuôn mặt sau chấn thương hàm mặt thường gặp: méo mó, lõm trán sau vỡ xương trán. Tụt và ngắn tầng giữa mặt di chứng gãy phức hợp mắt - mũi - sàng. Mất cân đối gò má 2 bên, phẳng gò má di chứng gãy phức hợp xương gò má - xương hàm trên...

- Biến dạng mắt: Có thể gặp phải như hai mắt cách xa nhau, tụt nhãn cầu ra sau hơn so với bên không chấn thương: di chứng của gãy thành ổ mắt, lồi mắt...

- Biến dạng mũi: Khuyết cánh mũi, khuyết trụ mũi, khuyết đầu mũi. Lệch vách ngăn, lệch sống mũi, sập sống mũi.

- Biến dạng môi trên, môi dưới: Khuyết môi trên, khuyết môi dưới. Lệch viền môi.

- Sẹo vùng mặt: sẹo lồi, sẹo giãn, sẹo co kéo, khuyết phần mềm vùng mặt.

Di chứng chấn thương hàm mặt ảnh hưởng không chỉ đến thẩm mỹ, chức năng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bệnh nhân. Hiện nay, đã có nhiều phương pháp để điều trị hoặc cải thiện một phần các di chứng này. Bệnh nhân và người nhà cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn phù hợp nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục