Cẩn trọng ngộ độc thuốc ở trẻ em

Linh Chi, icon
05:40 ngày 27/11/2021

VTV.vn - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhi N.V.A (11 tháng tuổi, trú tại TP. Vinh) vô tình ăn nhầm thuốc cao huyết áp của bà nội (thuốc Metoprolol 50mg).

Hình minh họa.

Theo thông tin từ bệnh viện, khi tiếp nhận ca bệnh, ngoài các biện pháp giải độc cơ bản, các bác sĩ còn tra cứu các tác dụng, tác dụng phụ để cấp cứu cũng như tìm kiếm Antidote (thuốc giải độc) phù hợp.

Sau thời gian điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn, tinh thần nhanh nhẹn, ăn uống tốt trở lại, chơi ngoan.

Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ trước nguy cơ ngộ độc thuốc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc sau đây:

Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi chưa được bác sĩ khám và kê đơn. Cần cho trẻ uống thuốc đúng và đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Để thuốc ngoài tầm thấy, tầm với của trẻ, tốt nhất là nên cất giữ tất cả các loại thuốc điều trị của gia đình trong tủ có khóa an toàn.

Không nên uống thuốc trước mặt trẻ, trẻ sẽ để ý và bắt chước lấy thuốc uống một cách vô tình.

Không để thuốc trong các chai nước uống (các loại thuốc nước), hộp kẹo, hộp đựng thức ăn đề phòng trẻ nhầm tưởng là nước ngọt hoặc bánh/kẹo sẽ lấy uống.

Không lấy các loại thuốc viên có màu xanh, màu đỏ cho trẻ chơi để dỗ trẻ ăn.

Với các bà mẹ đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ điều trị, vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ.

Không cho trẻ uống những loại thuốc không rõ loại, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài thuốc, hóa chất, các dụng cụ sắc nhọn, ổ cắm điện, nước sôi, kể cả các vật dụng tưởng vô hại như các túi bóng... đều cần để xa tầm với của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục