Cẩn trọng với vết thương gót chân

P.V, icon
06:31 ngày 24/09/2023

VTV.vn - Thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm trùng, hoại tử phần mềm vùng gót chân do kẹt vào nan hoa xe đạp.

Tổn thương gót chân do bị kẹt vào nan hoa xe đạp của trẻ.

Điển hình là 2 trường hợp bệnh nhi: T.K. (2 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị gãy đầu dưới xương chày cẳng chân phải kèm nhiễm trùng phần mềm vùng gót chân. Bệnh nhi P.N.K. (5 tuổi) nhập viện trong tình trạng vết thương gót chân nhiễm trùng, hoại tử da.

Được biết, trước khi nhập viện, các bệnh nhi đều được người nhà chở đi chơi bằng xe đạp, không may chân vướng chân vào bánh xe đạp.

Sau tai nạn, trẻ đau nhiều vùng gót chân và được người nhà cho đến phòng khám tư gần nhà để thay băng, rửa vết thương hàng ngày. Tuy nhiên, khoảng vài ngày sau đó, gia đình quan sát thấy chân bệnh nhi có dấu hiệu bị nhiễm trùng, đi lại khó khăn nên đã đưa trẻ đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam thăm khám và điều trị.

Gót chân là nơi chịu lực tì đè, vận động thường xuyên và mạch máu nuôi dưỡng kém nên khả năng lành vết thương cũng kém hơn nơi khác. Hơn nữa, gót chân là nơi thường xuyên tiếp xúc gần với mặt đường, chứa nhiều vi khuẩn, nấm… nên nguy cơ nhiễm trùng vết thương cũng cao hơn.

Khi gặp vết thương hở ở gót chân, lớp da ngoài bảo vệ bị mất tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Việc chăm sóc xử lý không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện sau nhiễm trùng vết thương như: Viêm mô tế bào, hoại tử, nhiễm khuẩn huyết.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Hạn chế tối đa việc để trẻ ngồi một mình ở yên sau xe. Trẻ nhỏ thường hiếu động, khó ngồi yên nên trong quá trình xe chạy, trẻ thường lệch dần về một bên. Khi xe bị xóc, nghiêng hoặc thay đổi tốc độ đột ngột có thể khiến gót chân kẹt vào bánh xe, thậm chí ngã khỏi xe.

Nên lắp lưới bảo vệ bánh sau xe đạp, ghế ngồi trên xe cho trẻ nhỏ. Đối với trẻ nhỏ cần dùng đai để cố định khi chạy xe trên đường để con tránh gặp tai nạn đáng tiếc.

Nếu trẻ bị kẹt chân vào bánh xe, cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị đúng, kịp thời, giúp giảm các biến chứng và di chứng đáng tiếc cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục