Cảnh báo điện giật ở trẻ nhỏ

P.V, icon
01:12 ngày 02/07/2021

VTV.vn - Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ (Nghệ An), trung tâm vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi 20 tháng tuổi bị điện giật.

Các bác sĩ xử trí cấp cứu cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhi, do ở nhà chỉ có hai mẹ con, nên để bé chơi trong phòng khách, khoảng 5 phút sau thì thấy bé đã rơi vào tình trạng lơ mơ, ú ớ, miệng cứng không khóc được. Chị vào thì tay bé đang dính vào nguồn điện là dây dẫn điện của đèn bàn đã được đấu nối lại nhưng chưa kín, tại nơi tiếp xúc điện đang tóe lửa, bốc khói cháy bàn tay bé.

Quá hoảng hốt và không có kinh nghiệm nên chị đã dùng tay không trực tiếp kéo bé ra khỏi nguồn điện. Lúc đó, điện hút lấy bé, khi kéo bé ra thì chị cũng bị giật nhưng nhẹ hơn nên đưa được bé ra ngoài.

Lúc này, bé bất tỉnh, khoảng 15 phút sau mới hồi tỉnh lại và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ cấp cứu.

Tình trạng bệnh nhi lúc nhập viện yếu, tâm lý hoảng loạn và phỏng rộp lớn ở lòng bàn tay (chỗ tiếp xúc nguồn điện).

Sau khi vào Khoa Ngoại, các bác sĩ đã sơ cứu, đồng thời tiến hành các kiểm tra cần thiết để xác định mức độ tổn thương và lên phác đồ điều trị nhằm tránh nguy cơ suy thận cấp do điện giật.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, nhưng vẫn cần ở lại theo dõi và tiếp tục điều trị theo phác đồ, đồng thời xử trí vết bỏng ở tay.

Theo các bác sĩ, điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp. Đặc biệt trong mùa nắng nóng, việc sử dụng điện và các thiết bị điện nhiều hơn hẳn, điều đó cũng dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn các tai nạn về điện.

Để phòng tránh tai nạn điện giật, các bác sĩ khuyến cáo: Hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để xa tầm với trẻ em. Các dây điện bị nứt vỏ bọc phải được thay thế hoặc băng kín cách điện. Các ổ điện được che kín bằng các nút nhựa an toàn. Mắc nối điện an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục