Cảnh báo một trường hợp sán não ở người

Linh Chi, icon
04:21 ngày 16/09/2021

VTV.vn - Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang), bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh kén sán não.

Hình ảnh chụp cắp lớp vi tính phát hiện nhiều nốt vôi hóa nhỏ trong nhu mô não bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân T.T.T. (nữ, 17 tuổi, trú tại Đồng Tâm, Bắc Quang) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng người mệt mỏi đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai, giảm trí nhớ kèm co giật.

Qua thăm khám với các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, kèm theo kết quả chụp cắt lớp vi tính có cản quang, các bác sĩ phát hiện thấy có nhiều nốt vôi hóa nhỏ trong nhu mô não hai bán cầu đại não, có hình ảnh nang ấu trùng sán, phù não nhẹ xung quanh.

Các bác sĩ đã nhanh chóng kích hoạt hội chẩn liên khoa và đề xuất nhờ sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Qua hội chẩn trực tuyến hỗ trợ từ xa, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh kén sán não ở người. 

Sau xử trí, tình trạng đau đầu và co giật của bệnh nhân đã giảm. Bệnh nhân được chuyển tuyến trên điều trị tiếp.

Theo các bác sĩ, kén sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh do ấu trùng sán sống ký sinh ở người gây ra. Bệnh thường hay gặp ở khu vực có mức sống thấp, vệ sinh kém, đặc biệt là ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn, trâu, bò chưa được nấu chín, ăn tiết canh, nem thính, nem chua, gỏi sống...

Nếu lợn hoặc người ăn phải thực phẩm chứa trứng sán còn sống (rau sống, tay không vệ sinh sạch sẽ) thì khi vào dạ dày, vỏ trứng sán sẽ bị phá hủy, giải phóng ấu trùng sán. Ấu trùng này chui qua niêm mạc dạ dày hoặc ruột vào máu hoặc hệ bạch huyết rồi tới ký sinh tại các bộ phận trong cơ thể như não, tim, gan, tổ chức dưới da…

Sán não là bệnh rất nguy hiểm, nhưng có thể phòng tránh được bệnh này. Để phòng bệnh, nên ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn, lòng lợn, gỏi, thịt lợn tái... không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần... mà phải nấu chín kỹ mới ăn; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh môi trường sạch sẽ; xây hố xí hợp vệ sinh; không đại tiện bừa bãi; không nuôi lợn thả rông... dùng thuốc tẩy sán dây lợn khi đã bị nhiễm sán.

Khi có dấu hiệu đau đầu hoa mắt, chóng mặt thường xuyên. Nên đến cơ sở y tế được khám và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục