Cảnh báo nguy cơ bị rắn cắn khi trời mưa nhiều

P.V, icon
07:16 ngày 06/06/2023

VTV.vn - Từ đầu tháng 5 trở lại đây, tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu (Sơn La) ghi nhận nhiều người bị rắn, rết cắn phải nhập viện.

Bàn chân bị rắn cắn của bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Mới đây nhất là một bệnh nhi khi đi bộ chơi trong xóm bị rắn cắn vào chân. Chỉ là một vết cắn nhỏ, nhưng ngay sau đó bệnh nhi đã bầm tím bàn chân, được gia đình đưa vào viện cấp cứu.

Bệnh nhi chia sẻ: "Khi bị rắn cắn cháu cũng không nhìn rõ con rắn như nào. Nó cắn rất nhanh rồi bò đi nên cháu không kịp nhìn vì lúc ấy rất đau và sợ".

Hay như trường hợp bệnh nhân nữ 60 tuổi, khi đang ở trong nhà thu dọn đồ đạc ở góc nhà, thì một con rắn bất ngờ xuất hiện trong đống đồ và cắn vào tay bệnh nhân.

Một trường hợp điển hình nữa: Nam bệnh nhân khi đi làm vườn bị rắn lục cườm cắn vào chân, sau khi được người nhà đưa vào viện phải chuyển tuyến về Hà Nội cấp cứu.

Tại thời điểm này, khu vực Mộc Châu xuất hiện nhiều mưa, không chỉ ngoài cánh đồng, mà ngay trong vườn nhà dân, nhiều loại rắn, rết nguy hiểm cũng bò vào.

Khi bị rắn, rết cắn, người dân không nên chủ quan mà phải vào viện ngay. Người bị rắn, rết cắn sẽ bị rối loạn đông máu. Rắn lục đuôi đỏ có nọc độc hơn rắn lục thường. Người không may bị rắn cắn nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần phải nẹp gỗ để tránh cho chi bị cắn vận động, sau đó băng ép đủ chặt nhưng không được ga-rô động mạch. Nếu rắn đã bị giết thì nên mang theo đến bệnh viện để xác định loại rắn gì một cách nhanh nhất và chính xác, phục vụ công tác điều trị.

Với trẻ em, khi vui chơi tại sân - vườn nhà cần có người lớn đi cùng, cần phát quang bụi rậm quanh nhà để hạn chế rắn có nơi trú ẩn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục