Cảnh báo nguy cơ tử vong do nhiễm liên cầu lợn

P.V, icon
09:15 ngày 19/09/2023

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nam (59 tuổi) trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn.

Hình minh họa.

Qua thăm khám bệnh lâm sàng, 10 ngày trước bệnh nhân sốt, đau mỏi toàn thân, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới và được chẩn đoán nhiễm virus cấp, bệnh ổn định và ra viện.

Sau đó 3 ngày, bệnh nhân sốt lại, kèm lạnh run, đau đầu ít, sau đó đau đầu dữ dội, không nôn, tự dùng thuốc giảm đau không đỡ, xuất hiện tình trạng kích thích, la hét và đã tiến hành nhập viện tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175.

Tại đây, bệnh nhân nhanh chóng được đội ngũ nhân viên y tế thăm khám và chẩn đoán: Theo dõi viêm màng não mủ trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gout mạn.

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có xét nghiệm chọc dịch não tủy và gửi Khoa Vi sinh nuôi cấy. Kết quả cấy khuẩn mọc Streptococcus suis (liên cầu lợn) đã kịp thời hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng trong việc lựa chọn kháng sinh điều trị.

Theo các bác sĩ, yếu tố nguy cơ gây ra bệnh được chẩn đoán là do người bệnh chăn nuôi lợn và mổ lợn trước khi khởi phát bệnh 2 tuần. Như vậy, việc phát hiện sớm nhiễm liên cầu lợn và phòng bệnh là rất quan trọng.

Liên cầu lợn là vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn, gây nhiễm trùng nặng ở lợn và có khả năng lây lan cho người. Đường lây chủ yếu do tiếp xúc, do sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn như:

- Những người có vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn, giết mổ, chế biến thịt lợn và quá trình chăn nuôi lợn rất dễ bị nhiễm liên cầu lợn.

- Những người ăn các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như tiết canh, gỏi, nem, nội tạng của lợn nhiễm liên cầu cũng rất dễ bị nhiễm liên cầu lợn. Tuy nhiên chưa có bằng chứng lây nhiễm liên cầu lợn từ người sang người.

Viêm màng não do liên cầu lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề: điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn. Một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Nhiễm trùng liên cầu lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 60 - 80%.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Để phòng bệnh, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; Không ăn lợn chết, lợn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, dùng riêng cho thịt sống và thịt chín; Rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn.

Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu hủy đúng cách; Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục