Cảnh báo tình trạng rắn cắn trong mùa mưa

P.V, icon
09:44 ngày 11/08/2023

VTV.vn - Trong 2 tháng trở lại đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhi bị rắn cắn với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ, mùa mưa là mùa sinh sôi phát triển của rất nhiều loài rắn độc và điều đó cũng khiến cho số lượng người phải nhập viện do rắn cắn cũng gia tăng.

Khi bị rắn cắn, đặc biệt là rắn độc, việc sơ cứu càng nhanh càng tốt, nhất là trong vài phút đầu có vai trò rất lớn giúp phòng tránh nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ. Do vậy, khi trẻ bị rắn cắn, cần nhanh chóng sơ cứu theo các bước sau:

Nhanh chóng đặt trẻ nằm để hạn chế sự lan truyền của nọc độc. (Lưu ý: Tuyệt đối không cho trẻ bị rắn cắn tự đi hoặc chạy vì có thể làm nọc độc lan ra toàn thân).

Rửa sạch vết cắn bằng nhiều nước (nước muối hoặc thuốc sát khuẩn vết thương nếu có) để loại bỏ nọc độc.

Nếu vết cắn ở chân hoặc cánh tay, hãy băng ép phía trên vết thương bằng băng to bản hoặc băng chun giãn cho tới nách hoặc háng (không thắt garo), bất động chi bằng một cái nẹp như trường hợp bất động gãy xương, để làm hạn chế sự lan truyền của nọc độc.

Cởi bỏ quần áo, đồ trang sức ở vùng vết cắn trước khi bắt đầu bị sưng.

Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới bệnh viện.

Cần giữ cho trẻ nằm yên trong suốt thời gian vận chuyển, để vị trí vết cắn thấp hơn so với tim để hạn chế sự lan tỏa nhanh chóng của nọc độc. Tốt nhất là vận chuyển bằng cáng.

Nếu mang con rắn đã bị giết chết tới bệnh viện để xác định loại rắn thì sẽ thuận lợi trong việc chọn huyết thanh thích hợp để trung hòa nọc độc.

Trong trường hợp đánh rắn khó, có thể gây nguy hiểm thì không nên cố gắng bắt, giết con rắn, hãy cố gắng nhận diện màu sắc và hình dạng của nó để có thể mô tả lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục