Cấy máy phá rung tự động dự phòng đột tử do tim, cứu bệnh nhân rối loạn nhịp nguy hiểm

P.V, icon
07:29 ngày 26/05/2023

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa thực hiện thành công ca cấy máy phá rung tự động, cứu sống nam bệnh nhân 68 tuổi bị suy tim nặng.

Kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân M.X.D. (trú tại Nga Sơn, Thanh Hoá) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng: tức ngực, choáng váng, khó thở, huyết áp tụt, mệt mỏi nhiều, có tiền sử suy tim, đã đặt 3 stent động mạch vành từ năm 2020.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, siêu âm tim, đo điện tim, ghi điện tim bằng thiết bị theo dõi nhịp tim 24 giờ, kết quả cho thấy bệnh nhân bị suy tim nặng (độ 3), chức năng co bóp thất trái giảm nặng, phân suất tống máu thất trái EF còn 24%, nhịp nhanh thất bền bỉ. Các bác sĩ nhận định đây là rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể diễn tiến tử vong do ngưng tim bất kỳ lúc nào.

Bệnh nhân được sử dụng thuốc chống loạn nhịp, điều trị suy tim tích cực tại Khoa Nội Tim mạch. Trong quá trình điều trị theo phác đồ, bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn loạn nhịp và phải sốc điện cấp cứu 5 lần. Sau vài ngày điều trị, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện, nhịp tim ổn định. Tuy nhiên 1 ngày sau đó, bệnh nhân lại xuất hiện những cơn nhanh thất dai dẳng trở lại.

Để dự phòng những cơn loạn nhịp tim khiến nguy cơ đột tử có thể xuất hiện trong tương lai, các bác sĩ Khoa Nội tim mạch đã chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) cho bệnh nhân. Đây là phương pháp hiệu quả và an toàn trong y học hiện đại giúp dự phòng đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra.

Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 1,5 giờ đồng hồ. Sau khi cấy máy phá rung tự động (ICD) kết hợp với điều trị nội khoa, hiện sức khỏe bệnh nhân D. ổn định, không đau ngực, khó thở, huyết động ổn định và đã được xuất viện.

ThS.BS Lê Thế Anh, Trưởng khoa Tim mạch cho biết: Phẫu thuật cấy máy ICD là một trong những kỹ thuật cao, được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa sâu về tạo nhịp tim và được khuyến cáo trong các trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột tử do rối loạn nhịp thất nguy hiểm, hội chứng Brugada,… Máy ICD được cấy dưới da vị trí dưới xương đòn, một dây điện cực kết nối từ máy vào buồng tim phải qua đường tĩnh mạch dưới đòn để ghi nhận và theo dõi tất cả mọi hoạt động điện học của tim. Khi tim xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm, tín hiệu bất thường này sẽ chuyển tới máy ICD, máy sẽ phát dòng điện để cắt những cơn rối loạn nhịp, đưa trái tim trở về nhịp co bóp bình thường, ngăn ngừa đột tử.

"Bệnh nhân sau khi được cấy ICD cần tuân thủ chế độ thăm khám, kiểm tra định kỳ của bác sĩ điều trị. Khi tiếp xúc với các thiết bị điện từ, máy kiểm tra tại sân bay cần tham khảo ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa" - ThS.BS Lê Thế Anh thông tin thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục