Cứu sống 2 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo: Kết quả bước đầu của sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật ghép gan

Lan Hương, icon
01:09 ngày 23/08/2021

VTV.vn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho Bệnh viện Nhi Trung ương và thực hiện thành công ca ghép gan cho 2 trẻ 18 tháng và 5 tuổi.

Tiến hành ca ghép gan cho bệnh nhi ung thư gan. Ảnh: BVCC

Ngày 21/1/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ký hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho 5 bệnh viện: Ghép phổi cho Bệnh viện Phổi Trung ương; Ghép gan cho Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đà Nẵng; Ghép thận cho Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Thanh Nhàn.

Sau ký kết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Nhi Trung ương đã thống nhất xây dựng kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; tư vấn về công tác điều phối và chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao,… Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cử các chuyên gia là những thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kỹ thuật ghép gan sang Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện các nội dung của kế hoạch đào tạo chuyển giao.

Cứu sống 2 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo: Kết quả bước đầu của sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật ghép gan - Ảnh 1.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho 5 bệnh viện .

Ngay sau khi nhận được thông tin có nguồn gan hiến từ người cho sống, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để trực tiếp hội chẩn, xây dựng kế hoạch chi tiết cho quá trình tiến hành ghép gan trên từng bệnh nhân cụ thể. Ngày 29/5 và 27/6/2021, ca ghép gan cho 2 bệnh nhi diễn ra thành công. Các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện các công đoạn chính của ca ghép và trực tiếp đào tạo, chuyển giao quy trình kỹ thuật ghép gan từ người cho sống trên 2 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các thầy thuốc của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp cận, phối hợp tham gia từng phần của quy trình kỹ thuật, từng bước làm chủ toàn bộ quy trình kỹ thuật ghép gan theo chương trình chuyển giao.

2 ca ghép gan là những bệnh nhi rất nhỏ tuổi, bệnh lý phức tạp, ghép bất đồng nhóm máu, lần đầu tiên được thực hiện bởi chính các thầy thuốc Việt Nam. Đây là những kỹ thuật vô cùng phức tạp mà trong nhiều năm trước đây chỉ có thể thực hiện được khi có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Với những kinh nghiệm, quyết tâm cao và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bệnh viện, cả 2 ca ghép đều thành công. (Ca ghép đầu tiên là bé gái 18 tháng tuổi được chẩn đoán là u nguyên bào gan. Trường hợp thứ hai là bé trai 5 tuổi, được chẩn đoán xơ gan - tăng áp lực tĩnh mạch cửa, teo đường mật bẩm sinh đã phẫu thuật).

Cứu sống 2 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo: Kết quả bước đầu của sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật ghép gan - Ảnh 2.

Kiểm tra công tác chuẩn bị và hội chẩn chuyên môn trước ca ghép gan.

Đại tá TS. Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Với hai bệnh nhi trên, ghép gan là lựa chọn cuối cùng và duy nhất để mang đến một cuộc sống mới cho các bé. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa hai bệnh viện, vận dụng trí tuệ và những kinh nghiệm trong ghép gan, gây mê hồi sức, tổ chức điều phối… hai ca ghép được thực hiện thành công".

Sau ghép, sức khỏe của các bệnh nhi đã dần hồi phục và tiếp tục được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Thành công của 2 ca ghép gan đã mở ra cánh cửa hy vọng cho các trẻ em không may mắc bệnh hiểm nghèo, là kết quả của bước đầu quá trình hợp tác, đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho Bệnh viện Nhi Trung ương; góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp của hai bệnh viện; đồng thời khẳng định việc làm chủ các kỹ thuật đỉnh cao y học của người lính áo trắng.

Cứu sống 2 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo: Kết quả bước đầu của sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật ghép gan - Ảnh 3.

Các bác sĩ tiến hành ghép gan cho bệnh nhi.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện kỹ thuật ghép gan, đến nay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 85 ca, trong đó có 27 ca ghép gan cấp cứu cho bệnh nhân suy gan cấp; ghép gan từ người hiến sống chiếm 95%. Tỷ lệ sống sau ghép trên một năm đạt hơn 90%. Ghép gan đã trở thành kỹ thuật thực hiện thường quy tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ghép gan là một trong những nhiệm vụ của đề án Khoa học Công nghệ "Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người" do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chủ trì.

Trung tướng GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Trong những năm tới, bệnh viện sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người cho các bệnh viện đã ký kết và các bệnh viện đang có chương trình muốn chuyển giao. Đồng thời, bệnh viện tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Thực hiện các kỹ thuật ghép tim, khối tim-phổi, tụy, thận, ruột, tử cung, ghép đồng thời đa mô tạng thường quy tại bệnh viện; nghiên cứu ứng dụng mô tạng nhân tạo, vật liệu sinh học thay thế, in 3D sinh học, trí tuệ nhân tạo… trong lĩnh vực này.

"Mục tiêu đến năm 2025, bệnh viện sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ của trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người hàng đầu của Việt Nam, góp phần vào chiến lược tổng thể xây dựng phát triển bệnh viện trở thành trung tâm y học hàng đầu của quân đội và quốc gia, bệnh viện thông minh, tầm đẳng cấp quốc tế" - GS.TS Mai Hồng Bàng cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục