Cứu sống kịp thời bé sơ sinh non tháng bị teo ruột non nhỏ nhất Việt Nam

Tuấn Bảo, icon
07:52 ngày 09/05/2020

VTV.vn - Chịu cuộc mổ lớn đầu đời khi vừa ra khỏi bụng mẹ, bé gái chỉ nặng 1,2 kg, sinh non 29 tuần, thở yếu, bụng chướng căng, ọc dịch xanh và được chẩn đoán tắc ruột sau sinh.

Mang thai ở tuần 29, sản phụ L.T.A., trú tại Quảng Nam buộc phải chấm dứt thai kỳ lập tức vì chuyển dạ sinh non. Sản phụ được mổ bắt con và chuyển viện cấp tốc từ Bệnh viện Hùng Vương qua Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vì bào thai được theo dõi tắc ruột do dị tật teo ruột non từ trong bụng mẹ.

Theo các bác sĩ, bệnh nhi ngay sau sinh đã trong tình trạng thở yếu, phải thở NCPAP áp lực dương, bụng chướng căng, ọc nhiều dịch xanh và chưa bài tiết phân su. Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn.

ThS.BS Tạ Huy Cần - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp nhận định: Đây là một trường hợp gây mê khó khăn vì trẻ non tháng, cân nặng thấp, chức năng hô hấp tuần hoàn chưa hoàn chỉnh. Bệnh nhi phải được mổ để thông chỗ tắc, tránh để xoắn hay hoại tử ruột, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân diễn tiến nhanh…

Các bác sĩ tiến hành gây mê nội khí quản cho bệnh nhi, đặt ống thông dạ dày giảm chướng bụng. Trong suốt quá trình gây mê, phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ… kết hợp bù nước điện giải, truyền dịch nuôi dưỡng...

Khi mở ổ bụng có tình trạng tắc đoạn ruột non, giãn và teo 2 đoạn ruột hỗng tràng. Sau phẫu thuật lần đầu 3 ngày, bụng bệnh nhi giảm chướng nhiều, dẫn lưu ruột hoạt động hiệu quả, vết mổ sạch được chăm sóc tốt.

Hiện tại, sau điều trị và chăm sóc tích cực, tổng trạng bệnh nhi khá dần, thở máy hiệu quả, dinh dưỡng sữa qua đường ruột hoạt động tốt.

Teo ruột non bẩm sinh, hay sự bít tắc hoàn toàn lòng ruột non bẩm sinh là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ sơ sinh mắc bệnh teo ruột non và dẫn tới tắc ruột, mà chưa được chẩn đoán từ trong bụng mẹ và can thiệp sớm, thì các triệu chứng sẽ được phát hiện trong vòng một hoặc hai ngày sau khi sinh như: trẻ không chịu bú, trẻ bị nôn, bụng trẻ phình to...

Trẻ cần được theo dõi, đưa đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để chẩn đoán, phẫu thuật cấp cứu. Nếu không trẻ có thể bị tử vong hay để lại các biến chứng nặng liên quan đến dinh dưỡng, phát triển thể chất và chất lượng cuộc sống sau này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục