Điều trị lạc nội mạc tử cung trong vô sinh

Tuấn Bảo, icon
10:31 ngày 25/04/2018

VTV.vn - Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng phụ khoa thường gặp, chiếm 5-10% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Hình minh họa

Lạc nội mạc tử cung được định nghĩa là khi có sự hiện diện của mô nội mạc tử cung gồm cả tuyến và mô đệm ở bên ngoài khoang nội mạc tử cung. Đây là một bệnh lý phức tạp, mà sinh bệnh học hiện vẫn chưa sáng tỏ.

Việc điều trị lạc nội mạc tử cung thường căn cứ vào mục tiêu cụ thể như: điều trị lạc nội mạc tử cung liên quan đến vấn đề đau do tổn thương lạc nội mạc tử cung gây ra hay do ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Bình thường khả năng có con của 1 cặp vợ chồng là 15%-20%, giảm dần theo tuổi. Ở những trường hợp lạc nội mạc tử cung khả năng có con giảm chỉ còn vào khoảng 2%-10%. Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng có khả năng gây vô sinh cao thông qua các thay đổi cấu trúc giải phẫu vùng chậu, ảnh hưởng chức năng phóng noãn.

Điều trị lạc nội mạc tử cung và vô sinh:

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa đã được chứng minh hiệu quả trong giảm đau do lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy điều trị nội khoa cải thiện khả năng có thai. Nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng cho thấy Danazol, các Progestin khác hoặc GnRHa không có hiệu quả trong điều trị hiếm muộn có lạc nội mạc tử cung độ I và II.

Điều trị nội khoa có thể giúp trong trường hợp lạc nội mạc tử cung gây vô sinh có chỉ định phẫu thuật. Điều trị trước phẫu thuật giúp giảm nguy cơ sang chấn cho mô lành, ít chảy máu, kiến thiết lại cấu trúc giải phẫu thuận lợi hơn.

Điều trị nội khoa tuy có giúp cho 80%-90% bệnh nhân thuyên giảm triệu chứng, nhưng không cải thiện tình trạng hiếm muộn vì đa số ức chế phóng noãn, không cải thiện thể tích u lạc nội mạc tử cung hoặc các dải dính. Sau khi ngưng thuốc, triệu chứng đau thường tái phát. Do đó những bệnh nhân có nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng và hiếm muộn, nên chọn phẫu thuật.

Điều trị ngoại khoa

Việc phẫu thuật có hiệu quả trên khả năng có thai của phụ nữ hiếm muộn có u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng vì phá hủy tổn thương lạc nội mạc tử cung làm giảm môi trường gây độc, tăng khả năng thụ thai.

Lấy bỏ tổn thương lạc nội mạc tử cung kèm gỡ dính cải thiện khả năng có thai tự nhiên ở phụ nữ hiếm muộn có u lạc nội mạc tử cung.

Điều trị kết hợp nội khoa và phẫu thuật.

Chưa có bằng chứng cho thấy việc phối hợp nội và ngoại khoa sẽ giúp tăng khả năng có thai ở bệnh nhân lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên điều trị nội trước phẫu thuật giúp quá trình phẫu thuật ít chảy máu, giữ được mô lành nhiều hơn, ít mô tăng sinh và ít dính vào vùng chậu hơn. Ngoài ra, việc phối hợp nội khoa làm kéo dài thời gian điều trị lạc nội mạc tử cung, bệnh nhân được điều trị hiếm muộn với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản muộn hơn, khả năng có thai có thể thấp hơn.

Điều trị hỗ trợ sinh sản

- Kích thích buồng trứng và IUI

Nhiều nghiên cứu cho thấy kích thích buồng trứng và IUI làm tăng khả năng có thai ở bệnh nhân hiếm muộn có lạc nội mạc tử cung độ I và II. Hoặc phẫu thuật nội soi rồi kích thích buồng trứng và IUI. Nếu thất bại chuyển qua thụ tinh trong ống nghiệm.

- Thụ tinh trong ống nghiệm

Lạc nội mạc tử cung có thể có nhiều ảnh hưởng lên kết quả thụ tinh trong ống nghiệm như: theo dõi kích thích buồng trứng khó hơn, giảm đáp ứng buồng trứng, giảm tỉ lệ thụ tinh, chất lượng phôi kém, giảm tỉ lệ làm tổ của phôi.

Kết quả một nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng cho thấy thụ tinh trong ống nghiệm cải thiện khả năng có thai ở bệnh nhân hiếm muộn có lạc nội mạc tử cung. Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp điều trị thích hợp nếu có đi kèm các yếu tố sau: giảm chức năng vòi trứng, vô sinh nam hay thất bại với các điều trị khác.

Một số nghiên cứu cho thấy downregulation với GnRHa nhiều tháng trước khi thụ tinh trong ống nghiệm làm tăng khả năng có thai. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn được tranh cãi

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý lành tính, mãn tính, có tính chu kỳ và phức tạp do lâm sàng đa dạng, tổn thương nhiều cơ quan trong vùng chậu. Cơ chế bệnh sinh chưa biết rõ, vẫn còn nhiều quan điểm chưa rạch ròi về xử lý u lạc nội mạc tử cung.

Cần dựa vào các yếu tố: tuổi vợ, thời gian hiếm muộn, bệnh sử, triệu chứng đau, phân độ lạc nội mạc tử cung, nguyện vọng của người bệnh và cân nhắc tác động lợi hại của điều trị để tận dụng tối đa lợi ích phẫu thuật, đưa ra quyết định phác đồ tối ưu, hạn chế động thái xâm lấn ảnh hưởng đến tương lai sinh sản của người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục