Độc tính trong kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ

Thủy Nguyễn, icon
06:04 ngày 14/11/2016

VTV.vn - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin có độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, giường, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hoặc bị giết.

Những biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt: Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, theo chiều tay quệt, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.

Cục Y tế dự phòng cho biết sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh có cảm giác râm ran, 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ; 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Sau 3 ngày thương tổn sẽ bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy.

Nhiều người cũng thường nhầm lẫn vết đốt do kiến ba khoang với bệnh Zona, khi trên da xuất hiện những vết phỏng rộng, có mủ đã tự đi mua thuốc để bôi khiến tổn thương sâu hơn, việc điều trị sẽ kéo dài hơn. Bệnh Zona có các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn, tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, kiến ba khoang không đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh, kiến ba khoang còn là bạn của nhà nông vì nó là thiên địch ăn một số loài sâu hại cây trồng, vì thế điều quan trọng là phòng tránh nguy cơ bị đốt, không nên hoang mang, lo lắng, hay tìm mọi cách tiêu diệt kiến ba khoang.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cách phòng tránh kiến ba khoang:

- Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.

- Ngủ trong màn.

- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ.

- Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

- Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.

Ngoài ra, khi thấy kiến ba khoang bò trên người, không nên đập hoặc chà xát chúng vì chất dịch trong người kiến ba khoang khi vỡ ra sẽ gây tổn thương da. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da, phải nhanh chóng rửa sạch, sau đó đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục