Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì toàn quốc

P.V, icon
04:32 ngày 17/11/2022

VTV.vn - Thông tin được đưa ra tại tập huấn triển khai hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức chiều 17/11.

Hình minh họa.

Buổi tập huấn có sự tham dự của hơn 500 bác sĩ tham gia trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu thuộc các bệnh viện, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành hướng dẫn riêng về chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì, với sự tham gia chủ trì về chuyên môn của GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước. Quyết định số 2892 cũng bãi bỏ bài bệnh béo phì trong "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết - chuyển hóa" được ban hành tại Quyết định số 3879/QĐ-BYT năm 2014.

Hướng dẫn được xây dựng công phu, cập nhật, dựa trên các tài liệu trong nước và quốc tế, tập trung vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì, rất hữu ích cho các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa trong hành nghề khám, chữa bệnh hàng ngày. Hướng dẫn được xây dựng với sự đóng góp chuyên môn của Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam - là các chuyên gia về nội tiết có kinh nghiệm lâm sàng, giảng dạy và các chuyên gia về dinh dưỡng và ngoại khoa.

Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc.

Tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh tại Việt Nam, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Béo phì được các tổ chức y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) công nhận là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài.

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hoá khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống...

Những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Các nội dung chính của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022:

1. Nguyên nhân gây nên bệnh béo phì: di truyền, nội tiết, mô bệnh học, dinh dưỡng, thuốc và nguyên nhân khác như lối sống tĩnh tại, hút thuốc lá khi mang thai.

2. Chẩn đoán thừa cân, béo phì dựa theo chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng bụng, áp dụng phân độ béo phì theo WHO dành cho người Châu Á .

3. Các dạng béo phì: béo phì dạng nam, béo phì dạng nữ và dạng hỗn hợp.

4. Nguyên tắc chung trong điều trị béo phì:

a) Mục tiêu giảm cân: Giảm cân 5 - 15% trong khoảng thời gian 6 tháng là thực tế và đã được chứng minh mang lại lợi ích sức khỏe. Duy trì giảm cân và phòng ngừa, điều trị các bệnh đồng mắc là hai tiêu chí chính để thành công.

b) Can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

c) Điều trị bằng thuốc: khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2.

d) Chỉ định của phẫu thuật giảm cân khi thất bại với các điều trị không phẫu thuật ở người bệnh có BMI ≥ 35 kg/m2 hay BMI≥ 30 kg/m2 kèm bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì. Mỗi phương pháp phẫu thuật béo phì đều có ưu nhược điểm riêng. Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể sẽ được tư vấn và lựa chọn phù hợp.

e) Theo dõi người bệnh: Béo phì là một bệnh mạn tính. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân trở lại và để theo dõi nguy cơ bệnh tật cũng như điều trị các bệnh đồng mắc nếu xuất hiện.

5. Hướng dẫn tập trung thời lượng lớn cho phần điều trị cụ thể béo phì bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý, thuốc và điều trị phẫu thuật trong béo phì.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục