Hạt bí ngô - Bài thuốc hữu hiệu trong điều trị giun sán

Nguyễn Liên, icon
08:30 ngày 09/09/2018

VTV.vn - Ít ai biết được hạt bí ngô, một loại hạt cắn được nhiều người yêu thích và sử dụng trong dịp lễ Tết lại là “thần dược” hữu hiệu có thể điều trị giun, sán.

Hình minh họa (Ảnh: bbcgoodfood)

GS. Đoàn Thị Nhu, PGS. Phạm Duy Mai và PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm trong cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật) đã chỉ rõ công dụng hữu ích của hạt bí ngô trong điều trị giun, sán.

Theo đó, hạt bí ngô có vị bùi, béo, tính ấm, khi đem rửa sạch rồi phơi khô, sấy khô có tác dụng trừ giun, sán. Tác dụng trị sán của bí ngô tuy không mạnh bằng dương xỉ đực nhưng không độc với cơ thể.

Cách dùng: chiều hôm trước ngày ống thuốc, thụt hoặc uống thuốc tẩy muối nhẹ. Hạt bí ngô có thể được dùng theo những cách sau:

- Hạt đã bóc hết vỏ cứng để nguyên màng xanh ở trong. Người lớn dùng 100g giã nhỏ trong cối, có thể dùng 50-60 ml nước để tráng sạch cối, thêm 50-100g mật, sirô hoặc đường và trộn đều. Bệnh nhân ăn vào lúc đói hết cả một liều trong vòng 1 giờ, nằm nghỉ 3 giờ sau đó uống thuốc tẩy muối, đi ngoài trong một chậu nước ấm, nhúng cả mông vào. Trẻ em từ 3-4 tuổi ăn 30g, từ 5- 7 tuổi ăn 50g, 7-10 tuổi ăn 75g.

- Hạt để cả vỏ cứng, giã hay xay nhỏ bằng cối xay thịt, thêm nước và đun lửa nhẹ hoặc đun cách thủy trong hai giờ, lọc qua gạc. Hớt bỏ lớp dầu trên mặt. Có thể thêm đường, uống hết trong vòng 20-30 phút vào lúc đói (hôm trước đã tẩy hay thụt). Hai giờ sau khi uống hết, uống một liều thuốc tẩy muối. Người lớn uống 300g, trẻ em dưới 5 tuổi uống từ 50 - 70g, 5 - 7 tuổi 100g, 7 - 10 tuổi 150g. Nếu sau khi uống hạt bí ngô theo liều nói trên lại uống thêm cao dương xỉ đực (người lớn 2.5 – 3g, trẻ em tính theo tuổi), tác dụng sẽ mạnh hơn. Chỉ uống cao dương xỉ sau khi uống hạt bí ngô được một giờ, và sau khi uống cao dương xỉ được một giờ sẽ uống một liều thuốc tẩy muối. Có khi người ta chế hạt bí ngô thành bột đã loại chất béo, dùng uống với liều 60 - 80 g (người lớn), 30 - 40 g (trẻ em), thêm vào bột một ít nước, trộn đều uống trong vòng 15 - 20 phút rồi theo cách như trên.

- Hạt bí ngô uống phối hợp với nước sắc hạt cau. Do nghiên cứu thấy nước sắc hạt cau có tác dụng làm tê liệt sán bò và sán lợn, nhưng chỉ mạnh với đầu con sán và những đốt chưa thành thục. Trái lại, hạt bí ngô có tác dụng chủ yếu làm tê liệt các khúc giữa và khúc đuôi con sán, cho nên có thể dùng cách kết hợp sau:

Sáng sớm lúc đói bụng ăn từ 80-120 g hạt bí ngô (để cả vỏ) hoặc 40-100g (hạt đã bóc vỏ). Hai giờ sau khi uống nước sắc hạt cau (trẻ em 10 tuổi trở xuống dùng 30g, phụ nữ và đàn ông bé nhỏ dùng 50- 60 g, người to lớn dùng 80g). Cách chế nước sắc hạt cau như sau: Cho hạt cau theo liều nói trên vào 500ml nước, sắc cạn còn 150 đến 200 ml nước. Nhỏ dung dịch gelatin 2,5% vào cho đến khi hết kết tủa (để loại bỏ chất tatin có trong hạt cau), để lắng, gạn lọc, bỏ cặn kết tủa đi. Tiếp tục đun còn 150 đến 200ml. Nửa giờ su khi uống nước sắc hạt cau, sẽ uống một liều thuốc tẩy (30g magnest sunfat). Nằm nghỉ, đợi đến khi thật buồn đi ngoài thì đi vào chậu nước ấm, nhúng cả mông vào.

Ngoài những bài thuốc từ hạt bí ngô, cùi quả bí ngô (thịt quả) cũng có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Theo kinh nghiệm của nhân dân ta, cùi bí ngô có tác dụng bổ thần kinh, điều hòa tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng nên vẫn được dùng để chữa nhức đầu, suy nhược thần kinh,táo bón. Ngày dùng từ 100 – 200g dưới dạng nấu ăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục