Làm thế nào để phân biệt cảm lạnh và cúm gia cầm?

Minh Đức, icon
07:45 ngày 24/03/2017

VTV.vn - Người dân nên có cách nhận biết và phân biệt giữa cảm lạnh với bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9 để có sự đề phòng tốt nhất.

Trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, nhiều người rất dễ mắc phải các căn bệnh như cảm lạnh hay cảm cúm. Ngoài ra, tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H7N9 cũng đang có nhiều diễn biến khá phức tạp, có thể bùng phát hoặc lây lan sang Việt Nam bất cứ lúc nào. Vi vậy, người dân nên có cách nhận biết và phân biệt giữa cảm lạnh thường với bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H7N9 để có sự đề phòng.

Bác sĩ Nguyễn Đức Dũng (BV Phổi TƯ) cho biết, bệnh cảm lạnh và triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh cúm gia cầm có thể khá giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn, nhưng nếu cảnh giác thì vẫn có thể phát hiện sớm để điều trị.

Bệnh cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên với những biểu hiện như ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt thở, hắt hơi, đau đầu, đau nhức cơ thể và sốt. Tình trạng sốt thường tự hết trong khoảng 1 tuần, còn các triệu chứng khác sẽ kéo dài từ 10 - 14 ngày.

Bác sĩ Dũng cũng lưu ý bệnh cảm lạnh và bệnh cúm gia cầm khó phân biệt giữa các triệu chứng nhưng đối với cúm gia cầm, ngoài các biểu hiện tương tự như cảm lạnh thì còn có những triệu chứng khác như viêm và suy hô hấp. Bệnh cũng diễn biến nhanh với loạt biểu hiện như ho khan, khó thở tăng dần, tức ngực, thở gấp, tím tái, co kéo cơ hô hấp.

Làm thế nào để phân biệt cảm lạnh và cúm gia cầm? - Ảnh 1.

Những người có triệu chứng nghi ngờ nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để đề phòng các bệnh cúm gia cầm nguy hiểm

Đối với bệnh cảm lạnh, các triệu chứng có thể tự giảm trong vòng 1 tuần, còn những biến chứng nặng như viêm phổi có thể xảy ra đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người gia hay trẻ nhỏ. Còn bệnh cúm gia cầm có thể gây nên nhiều biến chứng nặng nề hơn và nguy cơ tử vong cao.

Nếu bệnh nhân có những biểu hiện trên và có cảm giác đau mỏi ở các khớp xương, buồn nôn thì nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra đề phòng dịch cúm gia cầm. Nếu cúm gia cầm để lâu sẽ dẫn đến các biểu hiện nặng hơn và nguy kịch như suy tim, đông máu nội quản rải rác, suy gan nặng, hôn mê nếu nhiễm A/H7N9; đối với A/H5N1 thì có thể dẫn đến viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, rối loạn chức năng thận.

Để phòng bệnh cảm lạnh trong giai đoạn thời tiết thay đổi thất thường này, người dân nên chú ý mặc đồ ấm khi trời trở lạnh, tránh tiếp xúc với người bị bệnh, không nên cho trẻ nhỏ đến tụ tập nơi đông người vì dễ lây lan virus cúm.

Đối với bệnh cúm gia cầm, Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ và vận chuyển mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở sau khi có tiếp xúc liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục