Lo ngại COVID-19 có thể trở thành mạn tính

Nhật Anh, icon
07:00 ngày 02/04/2020

VTV.vn - Trung Quốc vừa ghi nhận một ca bệnh COVID-19 kéo dài 49 ngày nhưng không hề có một triệu chứng nặng, làm dấy lên lo ngại loại virus này có thể tiến triển thành mạn tính.

Thông thường, một bệnh nhân mắc COVID-19 nếu sống sót sẽ chuyển sang âm tính sau 20 ngày, lâu nhất là 37 ngày. Khoảng thời gian này kéo dài càng lâu thì bệnh nhân càng dễ gặp nguy hiểm.

Ở ca bệnh "cực kì hiếm này, bệnh nhân được chẩn đoán dương tính với COVID-19 trong suốt 49 ngày, có nồng độ virus cao, nhưng các chỉ số tế bào miễn dịch lại ổn định, theo SCMP.

Các dấu hiệu cho thấy cơ thể bệnh nhân này không thể loại bỏ virus bằng các phương pháp thông thường và vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Vì thế, bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương của các bệnh nhân COVID-19 đã bình phục. Xét nghiệm sau đó hai ngày cho kết quả âm tính.

Bệnh nhân này chỉ thỉnh thoảng sốt nhẹ, không ho, run lạnh, khó thở hay bất kỳ triệu chứng COVID-19 điển hình nào khác. Phim chụp cho thấy tổn thương ở cả hai bên phổi, nhưng biến mất vài ngày sau khi nhập viện. Thân nhiệt bệnh nhân cũng quay trở lại bình thường. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm lại cho thấy tải lượng virus trong cơ thể bệnh nhân vẫn ở mức cao, tương đương với các trường hợp nặng.

"Virus và cơ thể vật chủ đôi khi trở thành một mối quan hệ cộng sinh. Vì một lý do nào đó, virus không ngay lập tức giết chết người mang bệnh", các nhà nghiên cứu chia sẻ.

Trường hợp này "có khả năng trở thành một ca nhiễm bệnh mạn tính nếu không được truyền kháng thể", các nhà nghiên cứu cho hay.

Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể là bằng chứng về một nhóm nhỏ virus có độc tính và khả năng lây lan yếu hơn nhưng lại khó loại bỏ hơn. Đồng thời, họ cũng cảnh báo rằng những bệnh nhân "nhiễm mạn tính" có thể dễ bị bỏ qua và gây lây lan trong cộng đồng, tạo nên một đợt bùng phát mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục