Men tiêu hóa - những ai không nên dùng?

P.V, icon
09:36 ngày 07/12/2019

VTV.vn - Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm bổ sung men tiêu hóa và người dân có thể mua dễ dàng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng có thể sử dụng được.

Men tiêu hóa hoàn toàn khác với men vi sinh. Men vi sinh là các bào tử vi khuẩn có ích cộng sinh tại đường ruột, được sản xuất đông khô, khi uống vào sẽ làm phong phú thêm hệ vi sinh thường trú ở ruột. Men tiêu hóa là các hợp chất hóa học thực thụ được tổng hợp nhân tạo, có chức năng hỗ trợ tiêu hóa.

Trong cơ thể men tiêu hóa (hay enzyme tiêu hóa) được tiết ra bởi các tuyến ngoại tiết khác nhau bao gồm tuyến nước bọt, các tuyến trong dạ dày, các tế bào tiết của tuyến tụy, các tuyến bài tiết trong ruột non. Vai trò của các enzyme này là giúp chia cắt thức ăn (chất đường bột, protein, chất béo) thành các phân tử nhỏ dễ hấp thu qua thành ruột, vào máu và đi nuôi cơ thể.

Bình thường hệ tiêu hóa của chúng ta có chứa đầy đủ các men cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Ví dụ tuyến nước bọt tiết enzyme amylase tiêu hóa tinh bột, lipase lưỡi bắt đầu quá trình tiêu hóa lipid/chất béo; dạ dày tiết dịch vị và men pepsin giúp tiêu hóa protein; tuyến tụy tiết amylase, lipase, protease tiêu hóa chất đường bột, lipid/chất béo và một số vitamin tan trong chất béo, protein... Ngoài ra còn có các loại men tiêu hóa chất cellulose (chất xơ có trong các loại thực phẩm, rau) như cellulase, hemicellulase...

Trong một số trường hợp, enzyme nội sinh trong cơ thể không đủ đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của hệ tiêu hóa dẫn đến thiếu hụt enzyme thì cần bổ sung men tiêu hóa. Tuy nhiên những trường hợp dùng men tiêu hóa không đúng chỉ định thì có thể không mang lại hiệu quả tốt hơn mà còn có thể gây nguy hại cho người sử dụng.

Theo dược sĩ Trần Thị Ngọc Diễm, Khoa Dược - Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM), những trường hợp dưới đây không nên dùng men tiêu hóa:

- Các bệnh nhân đang mắc các bệnh lý cấp tính tại đường ruột như viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm tụy. Bởi lẽ, các bệnh nhân này hoàn toàn không có sự thiếu hụt men để phải bổ sung từ bên ngoài mà thậm chí còn đang có hiện tượng bài tiết enzyme quá mức làm tổn thương cả chính nhu mô ruột của cơ thể. Việc dùng men tiêu hóa với người đang bị chứng tăng tiết acid dạ dày, đang viêm tụy cấp càng làm tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.

- Không nên dùng men tiêu hóa lúc đói. Vì khi đói, dạ dày hoàn toàn trống rỗng. Acid trong dạ dày lúc này sẽ kích hoạt các men tiêu hóa trong sản phẩm. Các men này được kích hoạt trong tình trạng không có thực phẩm sẵn có, chúng trở nên kích ứng niêm mạc dạ dày, vì vậy dễ dẫn đến viêm loét.

- Một số trường hợp bị đi phân sống hoặc bị tiêu chảy có kèm theo đau bụng, các trường hợp đại tiện phân có máu hoặc nôn ra máu, bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm độc các hợp chất hóa học hoặc bị bỏng acid.

- Cần lưu ý là người đái tháo đường không dùng men tiêu hóa có chứa amylase vì sẽ nhanh chóng chuyển hóa tinh bột thành glucose làm tăng đường huyết.

Thời gian dùng chỉ tối đa là 2 tuần không được dùng liên tục, kéo dài. Vì việc dùng men tiêu hóa kéo dài không những không thu được lợi ích như mong muốn mà còn làm thay đổi chức năng cơ quan tiêu hóa theo hướng rất xấu. Nó sẽ tác động vào các cơ quan và bộ phận tiết men, làm các cơ quan này giảm tiết dịch tiêu hóa và mất chức năng.

Không nên dùng men tiêu hóa trước bữa ăn, cũng không nên dùng men tiêu hóa sau khi ăn từ 2 giờ trở lên. Tốt nhất dùng cùng bữa ăn hoặc ngay sau ăn.

Tóm lại, men tiêu hóa là các enzyme tổng hợp bổ sung từ bên ngoài có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa thức ăn. Tuy nhiên, không nên sử dụng tùy tiện và/hoặc kéo dài để tránh các tác dụng phụ đáng tiếc xảy ra. Cần nắm vững về đối tượng nên dùng và không nên dùng men tiêu hóa; cách dùng như thế nào để sản phẩm này thực sự đem lại tác dụng tốt cho cơ thể. Người sử dụng nên theo tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ nhằm mục đích sử dụng hợp lý, hiệu quả và an toàn các sản phẩm men tiêu hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục