Mới 7 tuổi, một bé gái đã mắc u nang bì buồng trứng xoắn

Tuấn Bảo, icon
08:23 ngày 03/04/2019

VTV.vn - Bé gái N.T.H. (7 tuổi, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng đau bụng cơn liên tục vùng hạ vị kèm nôn trớ.

Tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, sau khi thăm khám lâm sàng và siêu âm Doppler, các bác sĩ phát hiện: trong ổ bụng bệnh nhi có khối u to với kích thước 10x12 cm, chiếm gần trọn tiểu khung và hố chậu phải. Bệnh nhi được chẩn đoán: khối u vùng tiểu khung, theo dõi u nang buồng trứng xoắn.

Căn cứ thêm vào kết quả chụp CTscanner, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: bệnh nhi bị u nang bì buồng trứng phải xoắn và có chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu cắt bỏ khối u.

Tiến hành phẫu thuật, quan sát trong ổ bụng bệnh nhi thấy khối u xuất phát từ buồng trứng phải bị xoắn vặn 1/2 vòng màu hồng tím, có nhiều mạch máu tân tạo trên bề mặt khối u chiếm gần trọn tiểu khung và hố chậu phải, buồng trứng phải không còn tổ chức lành. Các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng phải, bảo tồn vòi trứng và loa vòi trứng phải cho bệnh nhi.

2 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi phục hồi tốt, da niêm mạc hồng hào, có thể vận động nhẹ nhàng.

U nang buồng trứng là một khối chứa dịch hoặc chất rắn có dạng như bã đậu phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng. Khối u này có thể là các mô mới khác thường hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng và thường có 3 loại: u nang nước, u nang bì và u nang nhầy. U nang buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có thể gặp ở những trẻ em gái, 90% khối u được phát hiện ở trẻ là lành tính.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo: các bậc cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm bệnh lý. Khi trẻ có dấu hiệu đau tức vùng hạ vị nên đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Dấu hiệu này dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoại khoa cấp tính như viêm ruột thừa, lồng ruột hay u đại tràng.

Trường hợp phát hiện có khối u nang buồng trứng nhỏ với đường kính dưới 5 cm thì có thể tiếp tục theo dõi, vì đa phần khối u có thể teo đi theo thời gian. Với trường hợp khối u có đường kính từ 5 cm trở lên thì cần phải được phẫu thuật bóc tách khối u sớm giúp bảo tồn toàn bộ buồng trứng cho trẻ, tránh để lâu ngày có thể gây xoắn, vỡ khối u, hoại tử nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục