Nhiễm khuẩn sau sinh: bác sĩ hút 6 lít mủ trong bụng sản phụ

Tuấn Bảo, icon
08:49 ngày 18/11/2018

VTV.vn - Sản phụ Đỗ Thị A. (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng bụng chướng căng, đi ngoài phân lỏng, sốt cao.

Sản phụ bị nhiễm khuẩn sau sinh.

Trước đó, sản phụ sinh non tại nhà khi thai mới 32 tuần.

Tiến hành thăm khám, hình ảnh siêu âm cho thấy: dịch khu trú ổ bụng chưa loại trừ khối kích thước 198 x 130mm.

Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy: vùng hạ vị xuất hiện khối kích thước 17,5x23,6x24,1cm tỷ trọng dịch đặc trong có dịch khí với thành mỏng, khối choán chỗ trong tiểu khung và ổ bụng.

Sau hội chẩn bệnh viện, sản phụ được chẩn đoán: nhiễm khuẩn sau sinh và chỉ định mổ lấy khối dịch.

Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã mở thông lấy khối dịch mủ gần 6.000ml trong bụng sản phụ.

Theo các bác sĩ, nhiễm khuẩn sau sinh là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục và thâm nhập vào cơ thể người phụ nữ bằng cách ngược dòng âm đạo.

Nhiễm khuẩn sau sinh thường do vi khuẩn ở bộ phận sinh dục gây nên như: liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, vi khuẩn yếm khí... Những chủng vi khuẩn này có mặt ở môi trường xung quanh, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng xâm nhập cơ thể qua các tổn thương xây xát ở âm hộ, âm đạo hoặc vùng nhau bám ở đáy tử cung.

Mức độ nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ tùy theo sức khỏe của sản phụ, tùy theo độc tính của loại vi khuẩn (thường tụ cầu vàng có đặc tính cao), thời gian phát hiện sớm hay muộn.

Nguy cơ nhiễm khuẩn sau sinh tăng cao ở những sản phụ phải trải qua quá trình chuyển dạ quá dài, sinh khó, vỡ ối sớm, bị sót nhau, vệ sinh âm đạo sau sinh kém, có tiền sử nạo hút thai nhiều lần v.v…

Những sản phụ sinh non và làm thủ thuật trong môi trường cũng như trang thiết bị không vô khuẩn có nguy cơ mắc rất cao. Những sản phụ có sức đề kháng kém, sau sinh chế độ dinh dưỡng không tốt cũng có thể dễ bị nhiễm khuẩn sau sinh.

Các bác sĩ khuyến cáo: chị em cần phải có ý thức giữ vệ sinh trong thời kỳ mang thai, nhất là những ngày gần đẻ. Không được tắm ngâm mình trong nước hồ, ao bẩn. Nếu bị nhiễm khuẩn ngoài da (mụn nhọt) nhất là ở vùng sinh dục thì cần đến cơ sở y tế khám và chữa trị ngay. Tất cả thai phụ cần phải đến sinh con ở nhà hộ sinh xã và phải được theo dõi sau sinh tại trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc khoa sản bệnh viện.

Sau khi sinh phải được theo dõi 1 - 5 ngày, nếu ổn định mới được về nhà. Khi về nhà nếu thấy có các triệu chứng bất thường (ra nhiều dịch mủ, ra máu kéo dài, sốt, đau vùng bụng dưới...) thì phải đến khám ngay ở cơ sở y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục