Những nguyên nhân lớn gây ung thư cổ tử cung

Thủy Nguyễn, icon
03:16 ngày 10/11/2016

VTV.vn - Những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bao gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, hút thuốc lá, viêm cổ tử cung mạn tính.

Ảnh minh họa. Nguồn: hmcisrael

Ngày 10/11, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung, giai đoạn 2016-2025.

Theo đó, những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung bao gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, hút thuốc lá. Ngoài ra, sử dụng thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp kéo dài, viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cũng là những nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Trên toàn thế giới, ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng thứ 3 trong số các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Trong năm 2012, khoảng 275.000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và hơn 85% các trường hợp tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, nơi mà phụ nữ thường không được tiếp cận tầm soát và điều trị ung thư cổ tử cung.

Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân gây tử vong do ung thư thường gặp nhất. Đây là loại ung thư được xếp thứ 4 trong các loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và đứng hàng thứ 2 trong các loại ung thư sinh dục ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Năm 2012, ở Việt Nam có gần 6.200 phụ nữ được chẩn đoán mắc mới ung thư cổ tử cung và đã có trên 2.400 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung, lớn gấp 5-6 lần so với số tử vong của bà mẹ liên quan đến thai nghén và sinh đẻ trong cùng thời gian.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, ung thư cổ tử cung thường gặp từ độ tuổi 30 trở lên, tại Việt Nam vaccine HPV đã bắt đầu được cung cấp dưới dạng vaccine dịch vụ, với liệu trình là 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên mức độ tiếp cận còn hạn chế do chương trình mới được triển khai ở một số thành phố và chi phí khá cao. Tính đến tháng 12/2015, có khoảng 350.000 - 400.000 phụ nữ được tiêm vaccine HPV.

Những nguyên nhân lớn gây ung thư cổ tử cung - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025. Kế hoạch hành động này sẽ đưa ra những phương hướng, giải pháp, hoạt động chính để thực hiện hiệu quả việc phòng ngừa và phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung tại Việt Nam.

Đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng cho biết, thông thường, ung thư cổ tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ tại lứa tuổi tương đối trẻ và tỷ lệ tử vong tăng dần khi phụ nữ bước vào lứa tuổi 40.

"Cần xây dựng một chương trình ứng phó toàn diện cấp quốc gia về ung thư cổ tử cung trong đó bao gồm các hoạt động phòng ngừa, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung. Tiêm phòng vaccine HPV được coi là một hoạt động quan trọng trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Các bằng chứng cho thấy phần lớn ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa và việc tiêm phòng vaccine HPV cho trẻ em gái ở độ tuổi 12 tuổi sẽ giúp ngăn ngừa 690.000 ca nhiễm ung thư cổ tử cung và ngăn ngừa được 420.000 ca tử vong trên toàn thế giới" - Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới, chiến lược đầu tiên và quan trọng nhất để dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung là nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế về ung thư cổ tử cung. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo chú trọng vào việc tiêm vaccine HPV cho các em gái từ 9-13 tuổi.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục