Quảng Ninh: Báo động tình trạng trẻ nhỏ hóc dị vật tai mũi họng

Lê Thạch, icon
08:19 ngày 30/07/2018

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị dị vật trong tai, mũi, họng.

Nội soi kiểm tra tai cho bệnh nhi.

Bác sĩ Vũ Thành Khoa – Trưởng Khoa Tai mũi họng cho biết: đa số các trường hợp là trẻ từ 1-3 tuổi, do còn nhỏ chưa có ý thức nên trong lúc vui chơi với những vật kích thước bé, trẻ đã lấy nhét vào hốc tai, mũi, họng. Rất nhiều trẻ bị mắc dị vật đến nhập viện ở giai đoạn khá trễ do không có biểu hiện rõ ràng, trẻ chỉ quấy khóc bình thường nên các bậc phụ huynh không phát hiện kịp thời.

Đáng nói, một số trường hợp khi thấy dị vật lại cố gắng lấy ra không đúng cách khiến dị vật càng len vào sâu, gây biến chứng nguy hiểm. Đến khi nhập viện, bé sẽ càng khóc quấy do đau rát nên việc xử trí của nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu đưa trẻ đến sớm, bác sĩ sẽ gắp dị vật ra dễ dàng, bệnh nhân được về luôn trong ngày mà không phải gây mê, uống thêm thuốc hay nằm viện.

Quảng Ninh: Báo động tình trạng trẻ nhỏ hóc dị vật tai mũi họng - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp X-Quang phát hiện dị vật cản quang hình tròn trong thực quản của bé T.

Như trường hợp của bé V.N.M.T. (3 tuổi, trú tại Cao Xanh, Hạ Long, Quảng Ninh) khi đang vui chơi bỗng nhiên kêu đau tai, khó chịu. Thấy có vật lạ trong tai, gia đình đã cố gắng lấy ra nhưng lại làm dị vật càng trôi vào sâu hơn.

Sau khi đưa đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ thấy cháu bị dị vật lọt vào tai phải nên đã nhanh chóng tiến hành gây mê nội soi lấy dị vật. Qua nội soi, phát hiện dị vật là loại hạt cườm nhỏ, sắc cạnh, dễ len lỏi sâu, nếu không gắp ra kịp thời có thể gây tổn thương màng nhĩ của trẻ.

Một trường hợp khác của cháu N.C.T. (2 tuổi, trú tại Hồng Hà, Hạ Long) nhập viện trong tình trạng nôn ọe, ho nhiều kèm khó thở. Gia đình cho biết, do bất cẩn không chú ý nên bé đã cầm cục pin con thỏ cho vào miệng cắn làm phần đuôi pin rơi ra và lọt xuống cổ họng khiến bé la khóc, ho sặc sụa.

Sau khi tiếp nhận, bé được đưa đi chụp X-Quang phát hiện dị vật cản quang hình tròn đoạn thực quản cổ C7. Ngay lập tức, bé T. được các bác sĩ gây mê và cẩn thận lấy dị vật ra khỏi thực quản để tránh gây thêm tổn thương cho niêm mạc. Bệnh nhi được tiếp tục điều trị bằng kháng sinh chống viên sau khi phần đuôi pin bằng kim loại được gắp ra thành công. Bé T. nhanh chóng hồi phục và ăn uống bình thường.

Không chỉ 2 trường hợp trên, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật. Trẻ bị học di vật do các tác nhân rất đa dạng, từ mẩu xương, các loại hạt, viên bi, cục pin, tăm xỉa răng, hạt cườm cho đến những mảnh nhựa hay chi tiết nhỏ trong đồ chơi của trẻ ở nhà...

Trẻ nhỏ khi bị dị vật mắc vào vùng tai, mũi, họng nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể gây những biến chứng vô cùng nguy hiểm như: ngạt thở cấp khi dị vật vướng đường thở, áp-xe thực quản khi dị vật rơi sâu trong thực quản, viêm xoang khi dị vật mắc vào hốc mũi, thủng màng nhĩ đối với dị vật ở tai.

Các bác sĩ khuyến cáo: phụ huynh cần kiểm soát được các đồ vật bé sử dụng, cần chú ý không cho chơi và đặt ngoài tầm tay trẻ những loại vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ như: cúc áo, đồng xu, kẹp tóc, cục pin, viên bi… vì trẻ nhỏ thường có thói quen bỏ vật lạ vào miệng, mũi, tai. Các loại dị vật này có thể kẹt ở thực quản, nguy hiểm hơn là đi vào đường thở nguy cơ gây tử vong nếu không lấy ra kịp thời. Ngoài ra, trong lúc ăn trẻ nhỏ tuổi chưa hình thành được phản xạ lừa xương nên cần phải thận trọng khi chế biến thức ăn trẻ, đảm bảo xương được loại bỏ hết. Đặc biệt không nên ép ăn lúc bé khóc hay cười vì rất dễ bị sặc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục