Thân phận vắcxin trên truyền thông

(Nguồn: trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) Theo Phan Sơn (Sài Gòn tiếp thị), icon
10:20 ngày 17/01/2013

Mặc dù được nhiều nước xếp hàng đầu trong những thành tựu y học của thế kỷ 20, nhưng vắcxin lại có một số phận long đong. Mỗi khi có tai biến nghiêm trọng xảy ra sau khi chích vắcxin, giới truyền thông thường “ném đá” nó, dù chưa biết thực hư thế nào!

Chống vắcxin trên internet

Đã có hẳn một phong trào chống vắcxin hẳn hoi khi Liên minh chống chích ngừa ra đời tại Anh vào năm 1853, dù trước đó bác sĩ Edward Jenner đã chứng minh việc chích ngừa giúp con người khỏi mắc bệnh đậu mùa, một dịch bệnh đáng sợ vào thời đó.

Lý lẽ chống vắcxin khi đó rất đa dạng. Có người cho vắcxin là sản phẩm dơ bẩn vì có nguồn gốc động vật, không thể đưa vào cơ thể con người – một sản phẩm cao cấp của thượng đế. Người khác lại lý luận thượng đế đã gửi dịch bệnh xuống trần gian để trừng phạt con người, nên bất kỳ việc làm nào chống lại dịch bệnh cũng bị xem là “hành động của quỷ”. Năm 1885, tại thành phố Leicester (Anh), gần 100.000 người đã xuống đường mang khẩu hiệu, hình nộm bác sĩ Jenner và quan tài trẻ con, phản đối việc chính phủ nước này buộc mọi trẻ em phải chích ngừa. Cuối thế kỷ 19, phong trào chống chích ngừa lan sang cả nước Mỹ.

Với sự ra đời của nhiều loại vắcxin giúp con người thoát khỏi các loại bệnh tật khác nhau, tưởng chừng phong trào chống chích ngừa sẽ đi vào quên lãng, thế nhưng nó vẫn tồn tại mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi internet xuất hiện. Nghiên cứu của Anna Kata, công bố trên tạp chí Vaccine năm 2010 cho thấy internet đóng vai trò chủ đạo trong việc lan truyền những thông tin chống vắcxin. Sử dụng công cụ tìm kiếm Google.com (phiên bản Google Mỹ), Anna đã xếp năm trong số 21 website trên mạng vào loại “chống chích ngừa” (24%), còn nếu dùng công cụ Google.ca (phiên bản Google Canada), con số trên là hai trên 16 website (13%).

‘ Một minh hoạ cho quan niệm “vắcxin chính là cocktail độc dược” (Ảnh khai thác)

Anna đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để nhận diện các website chống chích ngừa, từ việc người ta sử dụng hình ảnh tiêu cực (hình ảnh trẻ em bị tai biến sau khi chích ngừa và những cây kim gây hoảng sợ), chia sẻ kinh nghiệm cá nhân từng có vấn đề sau khi chích ngừa, cho đến việc cung cấp thông tin thiên lệch (không nói đến giá trị tích cực của vắcxin), thiếu phát ngôn chính thức (từ nhà quản lý chẳng hạn), thậm chí là rao bán sách, băng, đĩa chỉ trích vắcxin trên website.

Nhưng vấn đề không chỉ thế, nguy hại nhất là những website này đưa ra những thông tin sai lầm, gây ngộ nhận cho người đọc, khiến họ có thể lơ là việc bảo vệ sức khoẻ cá nhân. Chẳng hạn một website viết: “Những bệnh nhiễm trùng như sởi có thể giúp cải thiện sức khoẻ trẻ em, vì thực tế những triệu chứng nhiễm trùng không có hại mà chính là một cách điều trị” (!?) Có đến 88% website cung cấp những kiến thức “trời ơi” kiểu như đậu mùa không lây lan, bệnh bại liệt gây ra do thức ăn có đường (vì bệnh này thường xuất hiện mùa hè, khi người ta ăn kem nhiều!), bệnh dại là một dạng bệnh tâm thể chứ không phải do virút gây ra!

Khi truyền thông bị “việt vị”

‘ Bác sĩ Andrew Wakefield – tác giả vụ bê bối vắcxin MMR năm 1998.

Ngay cả giới truyền thông chính thống cũng phạm không ít sai lầm khi gieo rắc cho công chúng sự nghi ngờ về chích ngừa, tạo nên những hệ quả đáng tiếc trong việc bảo vệ sức khoẻ con người.

Vào những năm 80 thế kỷ trước, khi phong trào Perestroika (Đổi mới) phát triển mạnh ở Liên Xô, nhiều người bắt đầu tấn công phong trào chích ngừa – một chính sách của chính quyền nhằm bảo vệ người dân khỏi những bệnh nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắcxin – trong đó vắcxin DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván) là mục tiêu tấn công chính. Được nhà virút học Galina Chervonskaya khởi xướng, báo chí tung ra một chiến dịch nhằm hạ bệ uy tín vắcxin. Với sự tiếp sức của bác sĩ nổi tiếng A.V Pichnohkov, người cho rằng vắcxin có thể gây... ung thư máu, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng – từ chuyên ngành y khoa đến phổ thông – đưa ra một loạt cảnh báo về sự nguy hiểm và không hiệu quả của vắcxin. Hậu quả là nhiều người mất niềm tin vào sản phẩm này và không cho trẻ chích ngừa, tỷ lệ chích DPT giảm 30%. Chỉ sau đó vài năm, Liên Xô đã biết đến một trận dịch bạch hầu lớn nhất từ sau thế chiến thứ hai, chưa kể một trận dịch ho gà – được xem là một trong những trận dịch ho gà nghiêm trọng nhất xảy ra ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, scandal báo chí – vắcxin đình đám nhất có lẽ là câu chuyện vắcxin MMR và bệnh tự kỷ. Trong một bài báo đăng trên tạp chí nổi tiếng Lancet vào năm 1998, bác sĩ người Anh Andrew Wakefield và cộng sự công bố nghiên cứu cho thấy 12 trẻ đã khởi phát bệnh tự kỷ sau khi chích ngừa vắcxin MMR (ngừa sởi, quai bị và Rubella). Thông tin này hoàn toàn thoả tiêu chí “kỳ lạ” và “tác động lớn” về giá trị tin tức của truyền thông, vì thế không có gì lạ khi báo chí phổ thông vào cuộc và tấn công vắcxin MMR không thương tiếc. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện Wakefield đã nhận tiền nghiên cứu từ những người chống lại các hãng vắcxin và ông không thông báo cho đồng nghiệp hay giới chức y khoa về sự xung đột lợi ích của mình. Cùng với đó, một số điều tra cho thấy Wakefield ăn gian về số liệu nghiên cứu, cũng như không có mối liên hệ nào giữa vắcxin MMR và bệnh tự kỷ. Đến năm 2010, Lancet quyết định rút toàn bộ bài báo của Wakefield, đồng nghĩa với việc nghiên cứu của ông ta hoàn toàn không có giá trị.
Câu chuyện của Wakefield và vắcxin MMR được xem là một trong những vết nhơ lớn nhất trong lịch sử nghiên cứu khoa học, thậm chí có người còn gọi đây là “cú chơi khăm” tồi tệ nhất trong thế kỷ 20. Tuy nhiên thiệt hại còn lớn hơn thế. Vì niềm tin của công chúng vào chích ngừa bị lung lay, tỷ lệ sử dụng vắcxin MMR cho trẻ ở Anh, Ireland, Mỹ và nhiều nước khác giảm xuống đáng kể. Hậu quả là Ireland đã chứng kiến một trận dịch sởi bùng phát, khiến hơn 300 trẻ mắc bệnh, 100 trẻ nhập viện và ba trẻ tử vong! Trận dịch rồi cũng qua, nhưng mãi đến nay, ở nhiều quốc gia, cuộc chiến giành giật niềm tin của công chúng đối với chích ngừa vẫn tiếp diễn. Wakefield là người chịu trách nhiệm chính, nhưng giới truyền thông cũng phải tự vấn khi đẩy sự việc đi xa, cung cấp cho độc giả những bài báo thiên lệch và ít tính khoa học.

Nếu ngưng chích ngừa, điều gì sẽ xảy ra?

Sởi: theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào năm 1999 có gần 900.000 ca tử vong do sởi ở những nước đang phát triển. Nếu ngưng chích ngừa sởi, mỗi năm cả thế giới sẽ có khoảng 2,7 triệu ca tử vong vì bệnh này.

Hib: trước khi có vắcxin ngừa Hib, đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em Mỹ. Viêm màng não do Hib từng giết 600 trẻ em Mỹ mỗi năm và khiến nhiều trẻ bị biến chứng như điếc, co giật hay chậm phát triển tâm thần.

Ho gà: trước khi có vắcxin ngừa ho gà, ở Mỹ hàng năm có 150.000 – 260.000 trẻ mắc bệnh, khiến 9.000 trẻ tử vong. Vào những năm 1970, do nghi ngờ về chất lượng vắcxin, phong trào chích ngừa ho gà ở Mỹ giảm xuống và điều này làm bùng phát một trận dịch, làm hơn 100.000 trẻ bệnh và 36 trẻ tử vong. Ở Nhật Bản, tỷ lệ chích ho gà giảm xuống thê thảm, từ 80% vào năm 1974 chỉ còn 20% năm 1979. Một trận dịch ho gà xảy ra năm 1979, khiến 13.000 trẻ bệnh và 41 trẻ tử vong.


Cùng chuyên mục