Triệu chứng và cách chăm sóc trẻ bị sởi đúng cách tại nhà

Kim Xuân (Ban Thời sự), icon
05:31 ngày 06/11/2017

VTV.vn - Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và dễ bùng phát thành dịch, rất thường gặp ở trẻ em.

Nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Chỉ trong 2 tháng qua đã có gần 50 trẻ bị bệnh sởi có biến chứng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Đơn nguyên điều trị sởi thuộc khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương được thành lập từ 2 tháng trước - khi số bệnh nhi sởi bắt đầu tăng lên. Hầu hết trẻ điều trị tại đây đều là trẻ dưới 2 tuổi bị biến chứng viêm phổi do mắc sởi.

Điều đáng lưu ý, năm nay 45% số trẻ mắc bệnh sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng, chưa đến thời điểm tiêm phòng. Điều này có nghĩa kháng thể truyền từ mẹ sang con để chống lại bệnh sởi không có hoặc rất thấp.

Trong thời gian vừa qua, một số bệnh truyền nhiễm đã được khống chế và có vaccine phòng bệnh nhưng đã xuất hiện trở lại như: bạch hầu, ho gà… Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Cách chăm sóc trẻ bị mắc sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh như viêm thanh quản, viêm phế quản, nặng sẽ bị viêm màng não.

Tuy nhiên, bố mẹ không quá lo lắng đưa con ngay vào bệnh viện bởi đối với những trẻ chớm mắc sởi có thể tiến hành chăm sóc trẻ tại nhà. Để chăm sóc trẻ bị sởi đúng cách tại nhà, bố mẹ cần lưu ý như sau:

- Cho trẻ bị sởi nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ ngơi. Khi trẻ sốt, có thể dùng thuốc hạ sốt. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc đông y, nếu muốn dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ.

- Bố mẹ cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi.

- Trẻ bị sởi cần được ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn cứng làm tổn thương đường tiêu hóa của trẻ.

- Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là phải thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Bố mẹ chăm sóc trẻ bệnh phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, sau đó mới được chăm sóc trẻ lành.

- Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều bố mẹ cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.

- Dân gian quan niệm trẻ bị sởi phải kiêng tắm, kiêng gió nhưng hiện quan niệm đó đã không còn đúng bởi kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

- Bố mẹ hết sức lưu ý, nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, ban sởi lặn hết mà vẫn sốt, có dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt... lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.

Hà Nội: Rà soát đối tượng tiêm vacxin để phòng chống dịch sởi Hà Nội: Rà soát đối tượng tiêm vacxin để phòng chống dịch sởi

VTV.vn - Trong tuần cuối tháng 10, toàn TP đã ghi nhận thêm 12 ca mắc sốt phát ban dạng sởi, tích lũy từ đầu năm đến nay là 168 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục