Chuyện tình qua cánh thư thời hoa lửa

An Khánh-Thứ hai, ngày 14/10/2013 11:48 GMT+7

 Gần 4 thập kỉ trôi qua, mỗi khi đọc lại những bức thư, hai hàng nước mắt của bà cứ thế tuôn trào... Bà là Lương Thị Ngọc Thư, người đã lưu giữ hàng nghìn lá thư của mình và chồng là cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền (Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam).

Kí ức chuyện tình qua cánh thư…

Gặp bà Lương Thị Ngọc Thư, được nghe câu chuyện tình yêu lãng mạn, son sắt của vợ chồng bà qua hàng ngàn bức thư xuyên lửa đạn mà giờ đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của một thời bi hùng…

Bà Thư bắt đầu câu chuyện với niềm chia sẻ: “Các cháu được lớn lên trong hào bình quả là may mắn, thế hệ của bác cùng cực lắm. Sinh ra ở Móng Cái (Quảng Ninh), là con thứ 2 trong gia đình, bố mẹ đều là y tá nhưng chiến tranh khiến gia đình phải chuyển về thị xã Hà Đông tạm lánh để sinh sống, được một thời gian lại phải sơ tán đến tận Thanh Hóa. Bị chiến tranh tàn phá, chứng kiến cảnh bao gia đình bị lũ xâm lược dày xéo, lòng căm thù giặc càng lớn. Hồi đó, dù còn nhỏ tuổi nhưng ai cũng mong lớn nhanh để được cầm súng diệt giặc như các anh chị của mình".

Mang trong mình nhiệt huyết xung kích của tuổi trẻ, đến năm 17 tuổi bà Thư đã xin bố mẹ xung phong đi dân công hỏa tuyến nhưng bố mẹ chưa đồng ý. Đúng thời điểm đó, Bộ y tế chiêu sinh lớp y tá hộ sinh, bà đã nộp đơn và đã trúng tuyến lớp trung cấp học tại Nam Đàn (Nghệ An). Tháng 12 năm 1952, bà ra trường và được phân công về công tác tại trạm y tế Hà Đông. Bà Thư kể lại: “Tôi cũng không ngờ là mình được một anh bộ đội để ý dù chưa một lần gặp mặt. Và chỉ qua những bức thư, chúng tôi đã đến với nhau bằng tình cảm đặc biệt. Tôi còn nhớ, vào một ngày cuối đông năm 1953, cầm trên tay lá thư từ Thanh Hóa gửi ra. Đó là lá thư đầu tiên mà anh đã gửi để làm quen với tôi, như duyên trời định. Đọc những dòng chữ xa lạ ấy mà sao trong tôi lại có cảm giác thân quen…”

‘ Bà Thư lưu giữ rất cẩn thận những lá thư gốc

Bà Thư còn nhớ: “Lá thư đầu tiên anh viết cho tôi, anh bảo không muốn tôi bị bất ngờ, lúng túng khi hai người gặp nhau. Anh nói anh là bạn của anh Xuân người yêu của Tố(Tố là bạn bà Thư). Hai người đã cho xem ảnh của tôi và hỏi anh có thích không. Thế rồi, anh mạnh dạn biên thư, sau khi đã đến nói chuyện xin phép bố mẹ tôi. Khi gặp anh, bố mẹ tôi cũng đã ưng và biên thư lại cho tôi để tôi tìm hiểu anh trước". Chưa có điều kiện gặp nhau, họ gửi tình cảm của mình theo cánh thư và không gian như không còn khoảng cách. Họ đã yêu nhau từ lúc nào, và quyết tâm xây đắp hạnh phúc cho tương lai. Nhưng lúc đó, họ chỉ có chung niềm mong ước lớn nhất là:“Bao giờ mình được gặp nhau?!”

Rồi cái ngày “đầu tiên” của họ cũng đã đến, bà Thư còn nhớ rõ: “Nhân dịp đám cưới của đôi bạn Xuân – Tố, không biết các anh trong đơn vị của anh có sắp xếp không nhưng chúng tôi đã được gặp nhau. Quả thực, ngày trọng đại của bạn và với chúng tôi đó cũng là ngày hết sức đặc biệt.” Tình yêu của họ nảy nở qua những cánh thư và khi gặp nhau hai người đều cảm thấy: “Mình sinh ra là để thuộc về nhau!” Thế rồi, ngày vui của ông Hiền, bà Thư cũng đến, trước sự chứng kiến của đồng đội, sự tác hợp của đơn vị chiến đấu. Nhớ lại đám cưới của mình thấy thật đơn sơ nhưng hạnh phúc lại không tả hết. “Đám cưới chúng tôi nếu ai đó mà nhìn trang phục để tìm cô dâu chú rể thì không thể thấy. Nhưng thời chiến, thế là hạnh phúc lắm rồi.”.

Ngay cả sau ngày cưới, Lê Ngọc Hiền tiếp tục ra chiến trường gửi lại người vợ nơi hậu phương. Để động viên, tiếp thêm sức chiến đấu cũng như nghị lực vượt mọi hoàn cảnh thì chỉ còn cách là gửi tâm tư vào những cánh thư…

“Anh và Thư” và một thời hoa lửa…

Mối tình của ông Hiền bà Thư khiến người ta thán phục bởi họ đã trải qua bao khó khăn, thử thách để vẹn toàn cả hạnh phúc riêng lẫn nhiệm vụ chung. Những lá thư chứa nặng niềm thương yêu và nhiệt huyết chiến đấu được vợ chồng bà Thư cất giữ như kỷ vật thiêng liêng. Để gửi lại cho các đời sau, bà Thư đã tập hợp hàng ngàn bức thư thành cuốn hồi ký “Anh và Thư”. Mở đầu tập hồi ký, bà Thư viết: "Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có niềm vui nỗi buồn cùng với những hạnh phúc riêng của mình. Đối với tôi cũng vậy, tổ ấm gia đình, chồng con là sự sống không thể thiếu được trong tôi.”

Khi chúng tôi hỏi, trong số hàng ngàn lá thư bà nhớ nhất lá thư nào? Bà Thư trả lời rất nhanh: “Đó là lá thư đầu tiên và lá thư sau khi Đất nước giải phóng…” Xin trích một đoạn của là thư ông Hiền gửi cho bà sau khi giải phóng miền Nam: “Thư yêu quý! …Đến phút chúng đầu hàng, quân ta tiến vào dinh Độc Lập, tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí đã già tóc bạc phơ, đến các anh em cán bộ vẫn còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau, mừng tủi bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này, và tự nhiên nước mắt chảy ràn rụa, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở, thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó ta đã sống như thế nào?

‘ Ảnh và thư tập hồi ký do bà Thư viết

Bà Thư tâm sự, với bà cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền như một người anh, người thầy trong cuộc sống, về lý tưởng cách mạng. Để minh chứng cho những lời mình nói, bà Thư lại đưa cho chúng tôi xem một trong những lá thư mà với bà đó là ý chí chung mà dù ở hậu phương hay tiền tuyến mỗi người đều phải chiến đấu hết mình: Em yêu quý! Nhận được thơ này của anh em biên thơ trả lời anh nhé. Nhớ phải dũng cảm, yên tâm học tập, xa nhau lại càng phải vững vàng và quyết tâm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Điều mà chúng ta cần nhớ là không bao giờ sống mà lại ân hận với những ngày mình đã sống. Nghĩa là ta phải làm hết trách nhiệm của mình ở các vị trí chiến đấu, công tác mà nhân dân mà cách mạng, mà Đảng và dân tộc mình đã giao cho…”

Bà Thư cho biết: “Một số lá thư trong hơn nghìn lá thư tôi đã gửi tặng bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, số còn lại được tập hợp thành quyển hồi ký: “Anh và Thư”. Tôi làm vậy với mong muốn, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng thế hệ trẻ hôm nay và tiếp nối sẽ vẫn có thể hình dung được một thời hoa lửa hào hùng của thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.”

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước