Chuyện từ một thư viện cộng đồng...

Văn Quân-Thứ năm, ngày 09/01/2014 18:26 GMT+7

Hơn 20 năm sưu tầm sách báo và những tài liệu cổ, anh Trần Văn Chín (thôn Thị, Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) đã mở một "thư viện cộng đồng" khi mở cửa cho tất cả bà con du khách đến đọc sách, báo miễn phí.

“Tuổi thơ dữ dội”…

Sinh ra trong một gia đình có tới chín anh chị em, anh thứ chín, cha mẹ cũng đặt tên Chín cho… dễ nhớ, dễ gọi. Ký ức tuổi thơ là ám ảnh về những bữa đói ăn, những buổi mò của bắt cá trên cánh đồng La Khê se sắt mưa phùn, những ngày anh em dắt díu nhau đi xúc cám, chăn vịt thuê cho bà con quanh làng quanh xã. Gia đình không có điều kiện để có thể học cao hơn, mười một tuổi, Chín quyết tâm mượn sách về nhà tự học và bắt chước những nhân vật trong các câu truyện đã đọc, anh xin cha mẹ được lên La Khê, cách nhà năm cây số để… học võ.

‘ Gia đình hạnh phúc của anh Chín

Anh học cho đến khi thầy anh, cụ Ba Minh một hôm gọi anh đến và bảo: “Đọc sách và võ nghệ, con đã tinh thông, cầm kỳ thi họa con cũng tỏ, thầy không còn gì để dạy con nữa.” Năm đấy Chín mười tuổi. Một tháng sau, vì gánh nặng gia đình và cũng từ trái tim của một người trai đã trót mang trong mình thú phiêu lưu hồ hải, Trần Văn Chín một mình lặn lội vào Nam, mưu sinh bằng nghề mãi võ Sơn Đông. “Lang thang trong đoàn mãi võ bốn năm, trong một lần đoàn nghỉ lại Bình Định, tôi đi lạc và bị một trận ốm bất ngờ quật ngã trong đêm mưa gió. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong gia đình một người làm nghề mộc. Ông chủ đợi tôi khỏi hẳn nói chỉ một câu: “Nếu con thích có thể ở lại, bằng không con có thể ra đi bất kể lúc nào”, anh kể. Trần Văn Chín bảo đó là bước ngoặt cuộc đời của anh bởi sự hạnh ngộ tưởng chừng rất lạ kỳ đó đã khởi đầu cho một giai đoạn khác. Anh tình nguyện ở lại, chuyên tâm học nghề.

Thời gian thoắt tựa bóng câu, mùa mưa đi qua, mùa khô lại đến... Không biết bao nhiêu lần anh đã đếm thời gian bằng cảm nhận cảm quan kiểu ấy cũng là khi đã học thành thạo nghề làm mộc và khắc gỗ. Một ngày đầu năm chín mươi, hình ảnh cha mẹ già và nỗi nhớ cố hương chợt ùa đến. Chỉ xin thầy duy nhất một ước nguyện, được đưa tất cả những cuốn sách anh tích góp được trong quãng đời đã qua và bộ sách cổ về chạm khắc gỗ mà thầy đã tặng từ những ngày đầu, Chín bái biệt ân sư tìm về đất Bắc.

‘ Thư viện phục vụ cộng đồng của anh Chín

Người ba mươi năm tìm sách mở… thư viện miễn phí

Hơn mười năm lang bạt, khi về, cha mẹ vì nỗi nhớ con mái tóc nước thời gian đã gội trắng. Chín mở một xưởng gỗ nhỏ ngay gần nhà, hàng ngày chuyên tâm làm gỗ và phụng dưỡng cha mẹ như một sự tạ tội với đấng sinh thành. Có một điều kỳ lạ, nói như lời anh, dù quãng thời gian tha phương cầu thực, để nuôi sống mình đã khó nhưng thú đọc sách và giữ sách thì anh chưa một ngày bê trễ. Lúc này, số lượng sách trong nhà anh đã lên tới vài nghìn cuốn, và bây giờ, khi có điều kiện hơn, Chín càng có cơ hội để thỏa mãn niềm ham thích ấy.

Bất kể nơi nào có sách hay, sách quý anh đều tìm mua cho kỳ được. Những dịp ra nước ngoài, thứ duy nhất anh mang về chỉ là sách và sách. Dấu chân anh đã đặt tới tất cả các tỉnh thành trong cả nước để tìm sách hay, sách quý. Chín có những cuốn sách cực quý về kinh tế, tài chính của Mỹ, của Châu Âu, những pho sử, những bộ triết học, tam tự kinh của Trung Quốc, Ấn Độ.

“Ở đây tôi có những cuốn sách mà không một thư viện nào có được.”- anh Chín tự hào. Anh cũng đang sở hữu bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” từ thời Lý Trần được viết bằng tay (thời điểm năm 1991 trị giá 64 triệu đồng), bộ sách Minh Mạng đi săn trị giá 15 triệu đồng… và rất nhiều sách phương Tây mà trị giá phải được tính bằng đô la khi ai muốn sở hữu. “Nói là ở thành phố Hà Đông nhưng Đồng Mai những ngày cách đây hơn mười năm, đời sống dân làng vẫn khó khăn. Đói ăn thì có thể khắc phục được nhưng “đói chữ” thì sẽ ra sao đây?”

Cũng từ niềm đam mê của mình, câu chuyện cuộc đời mình, anh bàn với vợ thành lập một thư viện để cho bà con quanh làng được đến đọc miễn phí. Dân làng đến có quạt mát, nước uống và một không gian yên tĩnh để đọc sách vở thánh hiền. Thư viện anh chia làm ba tầng, tầng 1 là phòng đọc sách "bình dân".

Hiện có hơn 3.000 đầu sách phổ thông phục vụ nông dân và thiếu niên trong làng như: Chăm sóc và dạy con toàn tập; Từ điển Bách khoa Sinh học; Đạo làm người và xử thế; Mẹo vặt hàng ngày; 1000 chuyện Cổ tích Việt Nam và Thế giới, chuyện cổ Gờ-Rim, Mật mã Davanci… Tầng 2 là phòng đọc dành cho các cán bộ, sinh viên , người cao tuổi để nghiên cứu với nhiều đầu sách cổ có giá trị, trong đó có cuốn Y Thuật có từ thế kỷ XIII. Và tầng thứ ba dành cho các học giả, các tri thức có thể ngồi tranh luận, phản biện, đối đáp.

Chị Vân vợ anh, trước vốn là nhân viên của một ngân hàng danh tiếng nhưng từ lâu đã tình nguyện xin ở nhà để làm cô… thủ thư. Khách vào, chị nhiệt tình hướng dẫn, thuyết minh và dọn dẹp chỗ ngồi một cách ân cần như một nhân viên thư viện chuyên nghiệp. “Từ ngày Nhà nước phát động cuộc vận động Học tập và làm theo lời Bác, tuần nào chúng tôi cũng lên Hà Nội tìm mua sách báo, tài liệu để phục vụ bà con. Nhiều người, nhất là các trí thức và các cụ cao tuổi hưởng ứng lắm”, anh Chín chia sẻ.

Mở miễn phí và khách có thể mượn về nhà để xem, vậy nên từ nhiều năm nay thư viện Hưng Phúc đã trở thành một điểm đến của không chỉ bà con quanh vùng mà còn là địa chỉ của nhiều khách thập phương. Giáo sư Vũ Khiêu từ một người khách đã trở thành một người thân của gia đình anh. Trong nhà anh Chín vẫn treo ngay ngắn hai câu đối mà giáo sư đã tặng: “Bốn vách đồ thư vui đạo nghĩa – Một niềm son sắt vững nhân luân”.

Từ những đóng góp của mình anh Trần Văn Chín đã được Nhà nước ghi nhận tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt ngày 22/5/2009, Bộ Trưởng Bộ VH_TT-DL đã trao tặng bằng khen về hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Từ khi hoạt động đến này, thư viện đã phục vụ gần 20 nghìn lượt người tới tìm đọc sách báo. Đây cũng là thư viện tư nhân đầu tiên và duy nhất có được niềm tự hào ấy.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước