Xót thương số phận người đàn bà đơn độc chống chọi căn bệnh ung thư

Theo Dân trí-Thứ bảy, ngày 02/02/2013 16:00 GMT+7

Bà Lời một mình chống chọi với bệnh tật trong ngôi nhà cũ nát

 Đã gần 30 năm nay, bà Lời sống trong cảnh cô đơn, thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ quạnh hiu. Bi đát hơn, số phận đã đẩy bà phải chống chọi với căn bệnh ung thư.

Hiện bà Lời trông rất yếu ớt, đôi mắt lúc nào cũng chỉ chực trào ra những dòng nước mắt tủi thân.

Tuổi thơ khó khăn…

Bà Nguyễn Thị Lời (sinh năm 1952 tại thôn Nam Phổ Hạ, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là một huyện nghèo của miền Trung, người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn. Ở mảnh đất gió Lào cát trắng ấy, người dân thậm chí phải đi ăn xin để thoát khỏi những trận đói ngày “giáp hạt”.

Gia đình bà thuộc diện có công với cách mạng, ông Nguyễn Máy và bà Lê Thị Đinh, ba mẹ của bà đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, tiếp tế lương thực cho bộ đội ta lúc bấy giờ, được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Bà Lời nhớ lại: “Hồi đó, tui thường thay phiên bố mẹ bí mật đưa cơm nước và lương thực cho các chiến sĩ bộ đội đang trú ẩn dưới hầm”. Trong một lần càn quét, quân Mỹ đã đột kích vào nhà bà rất may lần đó không có ai bị thương. Vừa kể bà đưa tay chỉ về phía trước cửa, những vết đạn vẫn còn in dấu trên khung cửa đã mục nát, mối mọt.

Thời gian trôi qua, ba mẹ bà cũng lần lượt qua đời vì khó khăn, bệnh tật. Cuộc sống càng chật vật hơn kể từ đó, là chị cả trong nhà bà Lời phải lo cho đàn em thơ dại đang tuổi ăn, tuổi học. Hàng ngày, bà đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống bươn chải đè nặng trên đôi vai gầy yếu của bà. Thế nhưng mọi cực khổ, tủi nhục bà đều âm thầm chịu đựng chỉ mong làm sao có thể lo cho các em thơ được no đủ.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhiều bề, cơm không đủ ăn, nên bà Lời còi cọc và thường xuyên bị bệnh. Năm bà 20 tuổi, đám con trai trong làng thương bà mồ côi, nhưng chăm chỉ, chịu khó. Có người đánh tiếng muốn hỏi bà về làm vợ nhưng bà kiên quyết từ chối với ý nghĩ: “Mình lấy chồng rồi thì ai lo cho đàn em đây, với lại mình hay đau ốm bệnh tật thế này, lấy về chỉ làm gánh nặng cho người ta thôi”. Vậy là bà mặc cho tuổi thanh xuân trôi nổi cho đến giờ.

Bà kể, năm 2010 nhờ cán bộ xã làm đơn, bà mới được trợ cấp dành cho hộ người nghèo neo đơn với số tiền 100.000 đồng/năm và 20 kg gạo. Số tiền ít ỏi ấy, bà dành dụm để phòng khi đau ốm bệnh tật.

Bệnh tật đeo bám...

Cuộc sống dần trôi, các em bà cũng lần lượt lấy vợ gã chồng, bà sống cô đơn, thui thủi một mình trong căn nhà của ba mẹ để lại. Căn nhà ba gian tuyềnh toàng, xiêu vẹo, cột kèo đã mục nát theo thời gian nằm nép mình trong xóm vắng. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc lư đồng cũ kỹ từ thời ông cố để lại, mà dù khó khăn cùng cực thế nào bà vẫn không bán. Trời nắng còn đỡ, trời mưa nước dột từ mái nhà xuống thành hàng, lênh láng. Dù thế, nhưng đây là nơi trú ngụ của bà Lời trong nhiều năm nay.

Bà Lời tâm sự: “Nhà anh em đông nhưng đứa nào cũng khó khăn, con cái bệnh tật. Có 9 anh chị em mà hết 4 đứa nằm trong hộ nghèo, 2 đứa thì tha phương cầu thực, mấy đứa còn lại làm thuê, làm mướn, chạy xe thồ kiếm sống qua ngày”. Cả cuộc đời bà hy sinh, lo nghĩ cho đàn em nhưng đến nay bà cũng sức cùng lực kiệt bởi căn bệnh quái ác đang ngày đêm hành hạ. Nói đến đây nước mắt bà nghẹn ngào.

Cách đây 2 năm, bà Lời phát hiện có một khối u ở ngực nhưng bà nghĩ đó chỉ là cục bướu bình thường. Cuộc sống tất bật với ruộng vườn, trồng rau, nuôi heo… bà cũng quên dần sự tồn tại của khối u đó. Bà vẫn cần cù lao động, lam lũ chắc chiu từng đồng lẻ để khi về già không phải dựa dẫm vào ai. Bữa cơm của bà hết sức đạm bạc với cộng rau hái được, con cá mua được, có khi chỉ là bột lọc khuấy qua bữa…

Theo thời gian, khối u đó càng lúc càng to, đã di căn lên cổ, chèn dây thanh quản khiến bà không phát âm thành tiếng, cánh tay trái của bà cũng sưng tấy lên không thể cử động được. Thế nhưng bà Lời vẫn không đi bệnh viện vì sợ tốn tiền viện phí, bà đi hái những lá thuốc về nấu uống với hy vọng sẽ lành bệnh. Căn bệnh càng trầm trọng thêm, bà vẫn âm thầm chịu đựng, chống chọi căn bệnh đang quằn quại trong thể xác suốt cả năm trời.

Cho đến một ngày người em ở xa về thăm mới phát hiện và đưa bà đi khám nhưng đã quá muộn. Bác sĩ kết luận bà bị ung thư vú giai đoạn cuối, phải nằm điều trị tại Khoa Ung bướu, bệnh viện Trung ương Huế. Ông Nguyễn Văn Của, em ruột bà Lời kể: “Từ ngày biết tin chị không ăn uống gì cả, tinh thần suy sụp hẳn, chỉ khóc suốt ngày khiến ai trông thấy cũng xót thương”. Cơ thể bà gầy gò chỉ còn 37 kg, khuôn mặt hốc hác, phờ phạc, đôi mắt lúc nào cũng ướt đẫm nước mắt.

Bà kể: “Suốt thời gian điều trị, chỉ có đứa cháu đang đi làm ở TP Huế thỉnh thoảng vào thăm. Các sinh hoạt cá nhân, tôi phải nhờ các y tá và điều dưỡng bệnh viện”. Không có tiền, lại bị bệnh ung thư nên cuộc sống của bà Lời rất chật vật. Hàng ngày, bà nhờ người nhà bệnh nhân cùng phòng đi mua cơm, một lần cho 3 bữa. Nhiều khi vừa ăn, vừa khóc vì thấy cuộc đời mình quá khổ. Các bác sĩ của khoa thấy hoàn cảnh của bà nên cũng tận tình giúp đỡ và thỉnh thoảng đến thăm hỏi bà.

Số tiền tích góp bấy lâu nhanh chóng vơi dần vì tiền thuốc thang, điều trị quá cao. Bà quyết định về nhà mặc cho mọi sự can ngăn, khuyên nhủ của mọi người. Không có thuốc điều trị cũng chẳng có bác sĩ đến khám, bà chỉ uống thuốc giảm đau để tồn tại qua ngày.

Nhìn người đàn bà đơn côi, một mình phải chống chọi với căn bệnh ung thư, ai cũng cảm thấy xót xa trong lòng...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước