Roger Federer & Maria Sharapova: Càng thua càng kiếm nhiều tiền

Kim Dung (Dịch)Cập nhật 17:00 ngày 09/09/2013

 Roger Federer và Maria Sharapova dường như đang đi ngược lại mọi quy luật về kiếm tiền trong thể thao khi hai tay vợt này thi đấu càng kém thì càng thu nhiều tiền.

Roger Federer, giấc mơ của các nhà tiếp thị

Cụ thể theo thống kê của tạp chí Forbes từ tháng 6/2012 – 6/2013, dù thi đấu vô cùng bết bát song Roger Federer lại đứng đầu về khả năng kiếm tiền trong làng quần vợt thế giới khi thu về 71,5 triệu USD.

Trong số tiền khổng lồ này chỉ có vẻn vẹn 6,5 triệu USD là các khoản tiền thưởng từ các giải đấu mà Federer tham dự, còn lại đều đến từ quảng cáo và các tour thi đấu biểu diễn.

Công bố của Forbes khiến rất nhiều người ngạc nhiên bởi thực tế cho thấy, phong độ của Roger Federer ngày một đi xuống song số tiền tay vợt này kiếm được lại tăng theo hàng năm.

“Roger Federer là giấc mơ và là con gà đẻ trứng vàng của các nhà tiếp thị. Anh ấy đẹp trai, phóng khoáng, là người châu Âu, nói tiếng Anh hoàn hảo và đặc biệt không dính bất cứ một scandal nào trong gần một thập kỷ qua. Hình ảnh của Federer vẫn sẽ vô cùng giá trị dù phong độ anh ấy xuống thấp như thế nào”, David Schwab, giám đốc hãng nghiên cứu của Octagon First Call cho biết.

‘ Roger Federer, giấc mơ của các nhà tiếp thị

Đó là lý do giải thích tại sao dù liên tục thua ở các giải đấu tham dự song những nhà tài trợ vẫn theo Federer như "hình với bóng" để xin được chữ ký của Tàu tốc hành trên hợp đồng quảng cáo.

Hãng thể thao Nike là công ty gắn bó dài nhất cũng như thu được thành công lớn nhất với Federer trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên để Tàu tốc hành luôn chọn các bộ trang phục của mình, Nike đã phải trả một cái giá không hề rẻ là 10 triệu USD/năm.

Ngoài Nike, Federer còn làm đại diện thương hiệu cho hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng khác như: Wilson, Rolex, Credit Suisse, Mercedes-Benz trong nhiều năm qua.

Gần đây nhất dù thất bại "liểng xiểng" trên sân đấu nhưng Federer lại giành chiến thắng lớn về thương mại khi ký được hợp đồng 30 triệu USD trong 5 năm với hãng rượu Moet & Chandon.

Không chỉ thu bộn tiền từ quảng cáo, Federer còn thu được những khoảng tiền khổng lồ từ những tour đấu biểu diễn. Trong tháng 12/2012, Federer đã kiếm được đến 12 triệu USD chỉ trong 6 trận đấu biểu diễn tại 3 thành phố trong tour đấu biểu diễn tại các nước Nam Mỹ. Đúng không "hổ danh" phong cách kiếm tiền theo kiểu "Tàu tốc hành".

Maria Sharapova - Cô gái vàng của làng quần vợt

Giống như Federer, Maria Sharapova cũng sở hữu khả năng kiếm tiền đáng kinh ngạc bất kể phong độ trồi sụt và liên tục phải nghỉ thi đấu do chấn thương.

Theo thống kê của Forbes, với 29 triệu USD, Maria Sharapova là tay vợt kiếm nhiều tiền thứ 2 trong làng quần vợt thế giới (sau Federer). Trong số tiền đáng mơ ước đó, quảng cáo là nguồn thu chính của Búp bê Nga. Cô có hàng loạt các hợp đồng quảng cáo với hãng thể thao Nike, hãng vợt Head, tập đoàn điện tử Samsung Electronics, thương hiệu đồng hồ Tag Heuer và hãng nước uống Evian.

‘ Maria Sharapova đụng đâu cũng "hóa vàng"

Nếu như Roger Federer được ví là giấc mơ của các nhà tiếp thị thì Maria Sharapova đang được so sánh với Midat (ông vua đụng đâu sẽ hóa thành vàng) khi Búp bê Nga đụng đâu cũng "ra tiền" đến đó.

Năm 2012 trong lúc "rảnh rỗi" với các chấn thương, Maria Sharapova đã thành lập Sugarpova, thương hiệu kẹo đang gây sốt tại khắp các nược châu Âu. Và theo các nhà phân tích tài chính nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, Sugarpova sẽ mang lại vài triệu USD hàng năm cho Maria Sharapova.

Novak Djokovic, ông vua kiếm tiền thưởng

Không may mắn như Roger Federer và Maria Sharapova, để kiếm được 26,9 triệu USD (nhiều thứ 3), Novak Djokovic phải vất vả trên sân đâu hơn rất nhiều.

Theo Forbes trong năm 2012, Novak Djokovic đã thu về số tiền thưởng kỷ lục từ các giải đấu là 12,8 triệu USD. Thành công trên có được chủ yếu nhờ vào tay vợt người Serbia đã vào 9/12 trận chung kết Grand Slam (5 lần vô địch) cùng hàng loạt chức vô địch Master 1000.

‘ Novak Djokovic, ông vua kiếm tiền thưởng

Bên cạnh thành tích thi đấu, Novak Djokovic cũng kiếm bộn tiền từ các hợp đồng quảng cáo với Uniqlo, thương hiệu thời trang của Nhật Bản, hãng vợt Head và hãng giầy Adidas. Ngoài ra, các trận đấu biểu diễn cũng mang về cho Novak Djokovic không ít tiền với khoảng 1 triệu USD/một trận.

Rạng sáng ngày mai, nếu đánh bại Nadal trong trận chung kết US Open 2012 ngay lập tức tài khoản của Djokovic sẽ có thêm 2,6 triệu USD (số tiền thưởng cao nhất trong lịch sử US Open).

Với 34,3 triệu USD, US Open 2013 đã lập kỷ lục mới về số tiền thưởng cho một giải Grand Slam (tăng 37% so với năm 2012). Trong đó, hai tay vô địch tại nội dung đơn nam và đơn nữ sẽ lần lượt “ẵm” 2,6 triệu USD so với 1,9 triệu USD năm 2012.

5 tay vợt có thu nhập cao nhất thế giới từ 6/2012 - 6/2013

1. Roger Federer: 71,5 triệu USD

2. Maria Sharapova: 29 triệu USD

3. Novak Djokovic: 26,9 triệu USD

4. Rafael Nadal: 26,4 triệu USD

5. Serena Williams: 20.5 triệu USD

Nadal và quyết định mạo hiểm tại giải quần vợt Madrid mở rộng

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Việc Nadal vượt qua những nỗi đau chấn thương để tiếp tục thi đấu tại Madrid mở rộng năm nay, cũng đã mang tới niềm vui rất lớn cho người hâm mộ quần vợt thế giới.