ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam

Anh Quang-Thứ tư, ngày 23/12/2020 13:18 GMT+7

Con tàu ASEAN băng qua vùng biển giông bão COVID-19. Với ý chí kiên cường và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, tự hào Năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công toàn diện.

Tạp chí Thời đại (Time) của Mỹ số ra tháng 12/2020 cho rằng năm 2020 là một trong những năm tồi tệ nhất với tất cả người dân đang sống trên Trái đất này. Song với tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", ASEAN đã mạnh mẽ vượt qua, thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên hợp tác đề ra cho năm 2020, ngày càng trở nên đoàn kết, gắn kết, với khả năng tự cường và thích ứng cao hơn.

Gắn kết và chủ động thích ứng

Trước tiên phải khẳng định, chủ đề của năm ASEAN 2020 được Việt Nam lựa chọn là "Gắn kết và Chủ động thích ứng" đã rất đúng, trúng và có tầm nhìn của nước Chủ nhà. Bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã hoàn thành tất cả các sáng kiến, ưu tiên một cách đầy đủ và về đích đúng thời gian đặt ra.

Dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có nhưng đây cũng là cơ hội để nước Chủ nhà có thể tập hợp lực lượng cũng như tiếng nói của các quốc gia thành viên trong trong quá trình phòng chống dịch cũng như hướng tới 1 Cộng đồng ASEAN năm 2025 dựa trên hòa bình, ổn định và hợp tác.

Trao đổi với phóng viên Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài truyền hình Việt Nam về chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng" đã được thể hiện ra sao trong năm 2020, ông Vũ Hồ - Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao - chia sẻ, Việt Nam đã làm được 1 việc rất lớn đó là khẳng định rõ tinh thần của Việt Nam lấy hòa bình, ổn định làm mục tiêu; lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ, qua đó nhanh chóng tập hợp được tiếng nói chung của 10 nước thành viên trong việc sẵn sàng đối phó với mọi thách thức thời cuộc đặt ra. Đó là vế đầu tiên để nói về chữ "Gắn kết".

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam - Ảnh 1.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53), Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) Vũ Hồ đã trả lời báo chí về những nội dung được trao đổi trong khuôn khổ AMM 53.

Còn với vế thứ hai "Chủ động thích ứng", ông Vũ Hồ cho rằng, việc tất cả các cuộc họp từ Lãnh đạo cấp cao cho đến Trưởng đoàn đàm phán và cấp chuyên viên nhanh chóng được chuyển sang hình thức họp trực tuyến đã thể hiện sự linh hoạt của ASEAN, không bị gò bó trong bất cứ khuôn khổ cứng nhắc. Đó là chiều dọc. Về chiều ngang, tinh thần chủ động thích ứng còn được thể hiện trên cả 3 trụ cột là Chính trị-An ninh – Kinh tế – Văn hóa-Xã hội. Nhiều vấn đề liên quan đến dịch bệnh vốn không nằm trong chương trình nghị sự đã được đặt thành ưu tiên cao nhất trong hợp tác của ASEAN trong năm qua.

Tạp chí Diplomat thậm chí đã dành một bài viết riêng về Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, gọi tên đó là "Chính sách ngoại giao quyến rũ". "Với sự sáng tạo đáng ngạc nhiên để biến điều không thể thành có thể, Việt Nam đã khéo léo đạt được sự đồng thuận trong khu vực cũng như với các đối tác, dựa trên nền tảng đối thoại trực tuyến chưa từng xảy ra trước đây", bài báo có đoạn viết.

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam - Ảnh 2.

Bài viết “Chính sách ngoại giao quyến rũ” đăng trên số 72 của Tạp chí Diplomat

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá "Vai trò chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam rất mẫu mực. Mặc dù phải đối phó với các thách thức COVID-19 trong nước và thiên tai, Việt Nam đã có khả năng lãnh đạo trong việc giữ cho khu vực gắn kết và ứng phó với những thách thức này, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích kinh tế của người dân làm trọng tâm".

"Chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng" cho năm nay mà Việt Nam đặt ra không thể phù hợp hơn. Việt Nam đã rất khéo léo khi lãnh đạo ASEAN và có nhiều điều để tự hào trên vai trò Chủ tịch ASEAN 2020" nhận định của Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam - Ảnh 3.

Duy trì chuỗi cung ứng – Nhiệm vụ cấp thiết của ASEAN

Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" đưa ra tháng 4/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi đó nhận định, tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á trong năm 2020 có thể sẽ chỉ đạt 0%. Một thông tin gây sốc đối với khu vực được xem là động lực của tăng trưởng toàn cầu. Và đây cũng là lần đầu tiên kinh tế châu Á "dậm chân tại chỗ" sau 60 năm trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dịch vụ và các đối tác xuất khẩu chính của khu vực Châu Á.

Do vậy, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam xác định duy trì, tránh đổ vỡ những liên kết kinh tế giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác là nhiệm vụ cấp thiết.

13 sáng kiến dựa trên 3 định hướng chính trong trụ cột kinh tế do Việt Nam khởi xướng đã nhanh chóng được các thành viên ASEAN thông qua. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy liên kết nội khối, duy trì chuỗi cung ứng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thiết bị y tế..., các khâu sản xuất cơ bản nhất; đồng thời nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Điều này được hiện thực hóa thông qua hàng loạt tuyên bố chung và kế hoạch hành động về ứng phó với dịch COVID-19.

-Về nội khối: Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về ứng phó dịch COVID 19 tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp (3/2020); Tuyên bố Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 (4/2020); Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 (6/2020).

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam - Ảnh 4.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 (tháng 4/2020)

-Về ngoại khối: Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 (4/2020); Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến tăng cường khả năng phục hồi kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 (4/2020); Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Trung Quốc về ứng phó dịch COVID-19 (5/2020); Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 (6/2020); Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản (7/2020); Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 (8/2020); và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 (8/2020).

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi của phóng viên VTV Digital bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan (8/2020)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, các tuyên bố chung và kế hoạch hành động trên đã duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trường thương mại và đầu tư, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đặc biệt là các thủ tục hải quan ở cửa khẩu nhằm đảm bảo tạo thuận lợi cho dòng lưu chuyển hàng hóa thiết yếu trong khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa từ đó giúp ASEAN vượt qua đại dịch.

Đặc biệt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ 12 đến 15/11/2020) các nhà lãnh đạo đã thông qua Khung Phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch thực hiện (ACRF) nhằm xây dựng chiến lược thống nhất, nâng cao khả năng tự cường và vững mạnh của ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ưu tiên các lĩnh vực chịu nhiều tác động từ đại dịch và các nhóm dễ bị tổn thương.

Đến nay, 11/13 sáng kiến đã được nước Chủ nhà hoàn thành. Sáng kiến về Hướng dẫn hệ sinh thái 5G do Bộ TT&TT chủ trì dự kiến được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng TT&TT ASEAN trong quý I/2021. Sáng kiến thứ 13 là sáng kiến xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm tiếp cận thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ được hoàn tất trong những ngày cuối tháng 12 này.

RCEP - Khởi đầu cho thế kỷ châu Á

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam - Ảnh 6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết trực tuyến Hiệp định RCEP tại Hà Nội

Nhiều trang báo quốc tế đã dành nhiều bình luận tích cực với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết bất chấp dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu.

Tờ Asia Times thì gọi Hiệp định RCEP là khởi đầu cho thế kỷ châu Á. Còn tờ Bangkokpost trích lời Thủ tướng Thái Lan tin tưởng rằng, sự hội nhập kinh tế từ RCEP sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn với các đối tác toàn cầu, giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tờ Global Times nhận định, RCEP sẽ định nghĩa lại kỷ nguyên toàn cầu hóa và tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới.

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam - Ảnh 7.

Một khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

"Việc ký kết RCEP sẽ là một trong những nhân tố giúp thúc đẩy khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, bởi RCEP sẽ khiến giúp khối kinh tế khu vực trở nên lớn hơn. Ngoài 10 nước ASEAN còn có các đối tác đối thoại quan trọng của chúng ta nhất trí tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế, điều này không chỉ tiếp tục giúp tăng cường mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, thương mại và du lịch trong khu vực, đây là đóng góp quan trọng cho việc khôi phục kinh tế của khu vực, đặc biệt là tại ASEAN, sau rất nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra". Ông Thongphane Savanphet, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào chia sẻ với phóng viên thường trú Đài Truyền hình VTV tại Lào.

GS. Wang Jinbin thuộc Viện Chiến lược Phát triển Quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá trên tờ ChinaDaily rằng, RCEP là hiệp định hình mẫu cho xu hướng tư do hóa thương mại khu vực - chìa khóa hỗ trợ kinh tế thế giới hậu COVID-19. Trong bối cảnh chuỗi công nghiệp hoàn thiện của mỗi nền kinh tế bị giới hạn bởi nguồn tài nguyên, công nghệ và chi phí, cũng như xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược, tự do hóa thương mại khu vực sẽ là một lựa chọn hợp lý để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Hiện tiến trình khu vực hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng, và nếu xét ở mức độ rộng hơn, sẽ dần thay thế cho tiến trình toàn cầu hóa do chịu sức ép của chủ nghĩa dân tộc cùng chủ nghĩa trọng thương trong kinh tế. Do đó, hiệp định RCEP có ý nghĩa quan trọng trong hội nhập kinh tế tại khu vực châu Á. Dấu ấn của vị "thuyền trưởng" Việt Nam là rất lớn trong tiến trình này.

Có thể nói, từ những bỡ ngỡ ban đầu, qua 25 năm tham gia ASEAN, chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc, và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực. Đặc biệt, với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước