FED kết thúc chính sách kinh tế lỏng lẻo nhất lịch sử 108 năm

Huệ Anh-Thứ năm, ngày 16/12/2021 17:15 GMT+7

VTV.vn - Quyết định của FED không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, rằng cơ quan này sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm và rút lại các biện pháp kích thích kinh tế.

Đêm qua theo giờ Việt Nam, cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED đã chính thức bế mạc. Quyết định cuối cùng được đưa ra bởi chủ tịch FED ông Jerome Powell không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, rằng cơ quan này sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm và rút lại các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Cụ thể, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn. Theo đó, từ tháng 1 tới, quy mô chương trình này sẽ chỉ còn 60 tỷ USD mỗi tháng, bằng một nửa so với giai đoạn trước tháng 11 năm nay.

Sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc, FED sẽ bắt đầu tiến hành tăng lãi suất, dự kiến ở mức 0,9% vào cuối năm 2022, tương ứng với khoảng 3 lần tăng lãi suất. Mức lãi suất dự kiến cho năm 2023 và 2024 dự kiến đạt lần lượt 1,6% và 2,1%.

FED kết thúc chính sách kinh tế lỏng lẻo nhất lịch sử 108 năm - Ảnh 1.

FED đẩy nhanh việc cắt giảm và rút lại các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng cao (Nguồn: Reuters)

"Kể từ giữa tháng 1, chúng tôi sẽ giảm lượng mua ròng trái phiếu khoảng 30 tỷ USD mỗi tháng, nghĩa là nếu nền kinh tế tiếp tục đi đúng hướng, chúng tôi sẽ hoàn tất sớm chương trình cắt giảm vào tháng 3", ông Jerome Powell tuyên bố.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu nền kinh tế Mỹ có thể trải qua 8 lần tăng lãi suất trong 3 năm hay không? Theo đa số chuyên gia, câu trả lời là có. Thực tế lịch sử cho thấy, trong giai đoạn 2004-2006, FED đã có tới 17 lần tăng lãi suất liên tiếp. Nền kinh tế Mỹ giai đoạn đó có giảm tốc đôi chút nhưng trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, do áp lực lạm phát hiện đang ở mức quá cao, nên FED giữ nhịp đà tăng lãi suất như trên là hợp lý.

Lạm phát - Động lực thúc đẩy quyết định của FED

Theo Bà Liz Miller, Chủ tịch công ty Cố vấn tài chính Summit Place, "Tôi không nghĩ có nhiều bất ngờ như vậy. 3 lần tăng lãi suất vào năm 2022 là một thay đổi lớn. Hồi tháng 9, chúng tôi hầu như không nghĩ tới điều này".

FED kết thúc chính sách kinh tế lỏng lẻo nhất lịch sử 108 năm - Ảnh 2.

Sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc, FED sẽ bắt đầu tiến hành tăng lãi suất, dự kiến ở mức 0,9% vào cuối năm 2022 (Nguồn: Reuters)

Quyết định có phần quyết liệt hơn dự đoán ban đầu này được đánh giá là sự điều chỉnh quan trọng đối với chính sách lỏng lẻo nhất lịch sử 108 năm của FED, trong đó, lạm phát được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy cơ quan này thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế trong suốt thời gian qua. "Việc đẩy nhanh đến từ áp lực lạm phát gia tăng và thị trường lao động đang được củng cố mạnh mẽ. Nền kinh tế không cần sự hỗ trợ nhiều như trước", ông Powell cho biết.

Đầu năm nay, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đặt mục tiêu đưa lạm phát Mỹ về mức 2% trong dài hạn. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới đây được Bộ Lao động Mỹ công bố, lạm phát Mỹ trong tháng 11 đã tăng vọt lên mức 6,8%, ngưỡng cao nhất kể từ năm 1982.

Để ngăn kịch bản xấu xảy ra với nhiều hộ gia đình trên khắp nước Mỹ, FED cắt giảm các chương trình hỗ trợ nền kinh tế. Kế hoạch mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng theo đó sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến ban đầu. "Các diễn biến và sự thay đổi trong triển vọng kinh tế khiến chính sách tiền tệ cũng thay đổi, tuy nhiên sẽ tiếp tục mang lại sự hỗ trợ phù hợp cho nền kinh tế".

FED kết thúc chính sách kinh tế lỏng lẻo nhất lịch sử 108 năm - Ảnh 3.

Lạm phát Mỹ trong tháng 11 đã tăng vọt lên mức 6,8%, ngưỡng cao nhất kể từ năm 1982 (Nguồn: Reuters)

Lạm phát đã không còn là vấn đề "tạm thời" như FED đã từng trấn an các nhà đầu tư. Trước đó, một vài chuyên gia còn cho rằng lạm phát Mỹ thậm chí sẽ còn tiếp tục leo thang lên mức đỉnh 7% vào tháng 12 này nếu FED tiếp tục không có động thái chặn đà tăng giá của một loạt hàng hoá. Theo truyền thông Mỹ, nguyên nhân khiến FED không vào cuộc để hạ nhiệt lạm phát sớm hơn bằng cách tăng lãi suất hoặc rút lại các biện pháp kích thích là do lo sợ quá trình kinh tế phục hồi sau đại dịch giảm tốc.

Phản ứng của thị trường

Ngay sau tuyên bố của FED, chứng khoán phố Wall phản ứng vô cùng tích cực khi hầu hết các nhà đầu tư đều rất hài lòng với những gì mà ông Jerome chia sẻ. Ba chỉ số chính đồng loạt mang sắc xanh, trong đó, Nasdaq tăng tới hơn 2% giá trị. S&P 500 và Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết phiên tăng lần lượt 1,63% và 1,08%.

Trong khi đó, thị trường châu Á lại diễn biến có phần thận trọng hơn khi các nhà đầu tư vẫn đang tìm hiểu các tác động từ quyết định siết chặt chính sách của FED. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu đà tăng với 1,63%. Các thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục tăng nhẹ, trong khi thị trường chứng khoán Australia và Hong Kong, Trung Quốc chứng kiến đà sụt giảm.

FED kết thúc chính sách kinh tế lỏng lẻo nhất lịch sử 108 năm - Ảnh 4.

Chứng khoán phố Wall phản ứng vô cùng tích cực khi hầu hết các nhà đầu tư đều rất hài lòng với những gì mà ông Jerome chia sẻ (Nguồn: Reuters)

Đối với thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay ban đầu lao dốc gần 1%, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng sau thông báo của FED, song đã bật tăng trở lại sau khi đồng USD mất hơn 0,2%.

Theo Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại quý có trụ sở tại New York, thị trường vốn vẫn tìm kiếm một động thái "quyết liệt hơn" từ FED và điều này đã xảy ra. Ông cho rằng mức kỹ thuật quan trọng của giá vàng là 1.750 USD/ounce, vậy nên, nếu vàng tiếp tục đi xuống và "xuyên thủng" mức hỗ trợ trên, các nhà đầu tư có thể sẽ chứng kiến những biến động không mấy lạc quan trong giai đoạn cuối năm. Nguyên nhân là bởi vàng không còn được coi là nơi "trú ẩn" khi nỗi lo lạm phát tạm lắng.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ mạnh và tuyên bố kết thúc chương trình mua trái phiếu của FED lại là thông tin tích cực đối với thị trường dầu. Khép phiên, giá dầu Brent tăng nhẹ 0,2%, lên 74,62USD/thùng. Giá dầu thô (WTI) tăng 1% lên 71,83USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu cũng đã chịu áp lực trong phần lớn phiên giao dịch này do lo ngại rằng đà tăng nguồn cung sẽ vượt cầu vào năm tới và vaccine COVID-19 có thể ít tác dụng hơn đối với biến thể mới Omicron.

FED kết thúc chính sách kinh tế lỏng lẻo nhất lịch sử 108 năm - Ảnh 5.

Giá vàng giao ngay đã có lúc lao dốc gần 1%, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng sau thông báo của FED (Nguồn: Financial Times)

Ngay sau cuộc họp của FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cũng vừa khai mạc cuộc họp cuối năm nhằm đưa ra những định hướng chính sách tiền tệ cho năm sau. Ngân hàng trung ương Anh BOE cũng có bước đi tương tự, đồng thời cho biết có thể sẽ nâng lãi suất đồng Bảng nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát đang tăng cao kỷ lục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

FED

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước