Nga bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 cho Ấn Độ

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 16/11/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây được xem là một trong những hợp đồng thương mại quân sự lớn nhất mà Nga ký với nước ngoài.

Ngày 15/11, Nga bắt đầu tiến trình bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 cho Ấn Độ, theo một hợp đồng mua bán trị giá 5,5 tỷ USD đã ký năm 2018. Việc bàn giao được thực hiện ngay trước thềm chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và có nguy cơ kích hoạt một lệnh trừng phạt từ phía Mỹ nhằm vào quốc gia Nam Á này. Một hợp đồng mà Ấn Độ không giấu sự hài lòng về hiệu quả chất lượng sản phẩm. Nhưng nếu đổi lại là một lệnh trừng phạt từ phía đối tác gần gũi thì không chắc liệu có hơi đắt.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Dmitry Shugayev, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác quân sự - kỹ thuật của Nga, cho biết quá trình bàn giao tên lửa đã bắt đầu, các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 đầu tiên sẽ xuất hiện ở Ấn Độ ngay trong năm 2021. Thỏa thuận trị giá 5,5 tỷ USD liên quan tới 5 hệ thống S-400, đây được xem là một trong những hợp đồng thương mại quân sự lớn nhất mà Nga ký với nước ngoài.

Theo hãng tin Reuters, diễn biến này sẽ khiến Ấn Độ chịu sức ép trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật trừng phạt đối thủ (CAATSA), được Mỹ ban hành vào năm 2017, nhằm ngăn cản các nước mua khí tài quân sự của Nga.

Nga bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 cho Ấn Độ - Ảnh 1.

Năm ngoái, Mỹ đã áp quy định trừng phạt CAATSA lên một đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, cũng do Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Washington cũng loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35, dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5, tiên tiến nhất của Mỹ mà các thành viên NATO và đồng minh Mỹ đang sử dụng. Nga sau đó tuyên bố sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển các máy bay chiến đấu tiên tiến, nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận.

65% trang thiết bị quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga

Hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 được Ấn Độ ký với Nga tháng 10/2018, suốt từ đó tới nay hầu như trong tất cả các cuộc gặp giữa Mỹ và Ấn Độ, ở các cấp đều là chủ đề được Washington đưa ra bày tỏ quan ngại. Nhưng cũng không khó hiểu vì sao Ấn Độ lại cương quyết với bước đi này, nếu nhìn vào kho vũ khí hiện nay của Ấn Độ, thì tới 65% trang thiết bị quân sự có nguồn gốc từ Nga. Đây là vấn đề lịch sử để lại, mà vũ khí thì cần bảo dưỡng, thay thế hỏng hóc. Vậy nên bây giờ có muốn thì New Dehli cũng không thể rời Nga, hướng cả về phía Mỹ trong mối quan hệ quốc phòng. Đó là còn chưa nói, Ấn Độ chưa bao giờ có chủ trương ngả cả về phía Mỹ.

Thứ nhất, từ lịch sử tới hiện tại, Ấn Độ là quốc gia đi đầu trong việc đề cao giá trị phong trào không liên kết. Ấn Độ cũng luôn đề cao quan hệ với Nga. Họ cho rằng cách hữu hiệu nhất để Nga không xích lại quá gần những quốc gia mà New Dehli coi là đối tượng, đối trọng của họ trong khu vực, chính là mở rộng quan hệ với Moscow. Hiện New Dehli đang có những tranh chấp lãnh thổ gay gắt của với Trung Quốc và Pakistan.

Ấn Độ kỳ vọng Washington sẽ miễn trừ khỏi cơ chế trừng phạt như đã áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ

Nga bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 cho Ấn Độ - Ảnh 2.

Hiện các nghị sĩ Mỹ, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã gửi thư kiến nghị Tổng thống Biden đưa ra một miễn trừ như vậy, nổi bật nhất có thể kể đến Thượng nghị sĩ Mark Warner, người đứng đầu Ủy ban tình báo Thượng viện. Ông nay cho rằng, trừng phạt Ấn Độ vì nước này mua S-400 thì cũng không làm thay đổi được quyết định của New Delhi, nó cũng sẽ không làm Mỹ mạnh hơn, và điều duy nhất nó có thể mang lại chỉ là làm rạn nứt bộ tứ QUAD, mà Mỹ đang nỗ lực xây dựng.

Tuy nhiên ngay cả khi không có miễn trừ, thì những lệnh trừng phạt cũng sẽ không tác động lớn tới Ấn Độ. Nếu nhìn lại, trừng phạt đáng kể nhất của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và hủy bỏ các hợp đồng bán máy bay tàng hình F-35 cho Ankara. Nhưng F-35 có thể bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nước là thành viên của NATO. Trong khi New Delhi hiện không có hiệp ước liên minh quân sự nào với Mỹ, vậy nên cũng chưa bao giờ là đối tượng của các hợp đồng bán máy bay F-35 của Mỹ.

Tất nhiên, S-400 có thể là rào cản cho những hợp tác quân sự xa hơn giữa Mỹ và Ấn Độ về mặt dài hạn, nhưng nguyên tắc cơ bản định hướng chiến lược của các quốc gia là lợi ích. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ khó có thể vì S-400 mà bị đẩy đi chệch hướng nếu họ cảm thấy gắn kết với nhau là có lợi cho mình.

Rồng lửa - tên thân mật của hệ thống S-400, được giới phân tích cho rằng có sức hấp dẫn cả với nhiều quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ. Hệ thống này được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, là một trong những vũ khí hiện đại nhất Nga đang sở hữu. Giới chức Ấn Độ cũng từng nhấn mạnh, hợp đồng mua S-400 đáp ứng đòi hỏi cấp bách về an ninh quốc gia. Nước này đảm bảo các hệ thống mới sẽ không gây ảnh hưởng xấu nào tới những vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington.

Xuất khẩu vũ khí năm 2020 của Nga đạt gần 13 tỷ USD Xuất khẩu vũ khí năm 2020 của Nga đạt gần 13 tỷ USD

VTV.vn - Thông tin được đưa ra từ người đứng đầu Tập đoàn quốc phòng Rostec trong cuộc họp mới đây với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước